Theo thiếu tướng Lê Mã Lương, trong chiến thắng Điện Biên Phủ, chỉ có lá cờ trên đồi Him Lam là lá cờ duy nhất được cắm. Lá cờ đã thấm máu của chiến đấu viên Nguyễn Hữu Oanh, ngoài ra không còn lá cờ nào khác.
"Lá cờ cắm trên nóc hầm Đờ Cát chỉ là biểu tượng, xuất hiện lần đầu trong bộ phim “Việt Nam trên đường thắng lợi” của nhà quay phim Liên Xô Roman Karmen".
Thiếu tướng Lê Mã Lương – Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam – đã bắt đầu câu chuyện với Tuần Việt Nam như thế.
"Những điều chưa chính xác từ trước, chúng tôi đã bằng các phương pháp tiếp cận với nhân chứng, với tài liệu, bằng phương pháp khoa học và thái độ khách quan, trả lại cho lịch sử những điều vốn có của nó.
Chiến thắng Điện Biên Phủ là một chiến thắng vĩ đại, chấn động địa cầu. Việc không có cảnh cắm cờ trên nóc hầm Đờ Cát không hề làm suy giảm một chút nào ý nghĩa lịch sử của chiến thắng này” – Thiếu tướng khẳng định.
Biểu tượng chiến thắng…
Thiếu tướng Lê Mã Lương kể : Lịch sử ghi nhận rằng, khi bước vào chiến dịch Điện Biên Phủ, đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao 5 lá cờ Quyết chiến quyết thắng cho 5 đại đoàn (Đại đoàn công pháo 351, Đại đoàn 304, Đại đoàn 308, Đại đoàn 312, Đại đoàn 316).
Đặc biệt trong đó có một lá cờ liên quan đến Đại đoàn 312, Trung đoàn 209, Tiểu đoàn 130, Đại đội 366 và Tiểu đội Thọc sâu (Tiểu đội trưởng Trần Can).
Ngày 10/3/1954, tại Sở chỉ huy Đại đoàn ở km 70, có một cuộc họp gồm chỉ huy và chính ủy các trung đoàn, trong đó có Trung đoàn 209 (Trung đoàn trưởng là Hoàng Cầm, Chính ủy là Trần Quân Lập).
Trong cuộc họp đó, Chính ủy Đại đoàn 312 Trần Độ đã trao cho Chính ủy Trung đoàn 209 Trần Quân Lập lá cờ Quyết chiến quyết thắng. Sau đó, vì lý do một trận đánh có thể cần rất nhiều lá cờ, ông cũng giao cho một nhóm văn công của đại đoàn tìm vải đỏ và lập tức may một lá cờ khác, cũng thêu chữ Quyết chiến quyết thắng để giao cho Trung đoàn 209.
Sau khi Chính ủy Trung đoàn Trần Quân Lập xuống kiểm tra công tác chuẩn bị chiến đấu của Đại đội 366, Chính ủy đã trực tiếp trao lá cờ này cho Tiểu đội Thọc sâu.
Ngày 12/3/1954, thực hiện mệnh lệnh của Bộ Chỉ huy chiến dịch, Trung đoàn 209 cùng với một trung đoàn bạn và các lực lượng khác có nhiệm vụ tiêu diệt căn cứ Him Lam. Đây là căn cứ tiền tiêu đầu cầu và giữ một vị trí rất quan trọng. Bằng mọi giá, quân ta phải đột phá căn cứ này để làm bàn đạp tấn công trên các hướng, trong đó có đồi Độc Lập.
Chiều ngày 12/3/1954, các đơn vị bước vào trận địa xuất phát tấn công, triển khai hầm hào công sự chờ lệnh nổ súng xung phong. Đến chiều ngày 13/3, Trung đoàn 209 đã tiếp cận vị trí xuất phát tấn công rất thuận lợi, Bộ Chỉ huy chiến dịch ra lệnh cho các đơn vị, trong đó có Trung đoàn 209 nổ súng.
Và suốt từ 17h5’ đến 22h30’ ngày 13/3, trận đánh đã diễn ra, sau khi được lệnh của Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 130 ra lệnh cho Đại đội 366 tổ chức đột phá. Trận đánh kết thúc giòn giã chỉ trong vòng 4 tiếng đồng hồ, quân ta đã làm chủ căn cứ Him Lam.
Tiểu đội trưởng Trần Can tổ chức cho Tiểu đội Thọc sâu tấn công các mục tiêu, yểm trợ cho chiến đấu viên Nguyễn Hữu Oanh cầm lá cờ Quyết chiến quyết thắng cắm trên nóc hầm chỉ huy của tên thiếu tá chỉ huy căn cứ Him Lam.
Khoảnh khắc lịch sử
Thiếu tướng Lê Mã Lương khẳng định : “Bằng những tư liệu, gặp gỡ các nhân chứng (trong đó có một nhân chứng rất quan trọng là Trung tướng Trần Linh, nguyên là Chính trị viên Tiểu đoàn đánh đồi Him Lam), chúng tôi đã trả lại đúng lịch sử vốn có của lá cờ. |
Trước đây, một số nhân chứng lịch sử, một số tài liệu, cuốn sách đã in nói rằng, người cầm cờ là Tiểu đội trưởng Trần Can, nhưng điều đó không chính xác. Tiểu đội trưởng Trần Can chỉ được cầm lá cờ ấy với tư cách là Tiểu đội trưởng Thọc sâu, và đã giao lá cờ đó cho chiến đấu viên của mình là Nguyễn Hữu Oanh”.
Theo Thiếu tướng Lê Mã Lương, trong chiến thắng Điện Biên Phủ, chỉ có lá cờ trên đồi Him Lam là lá cờ duy nhất được cắm, hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Lá cờ đã thấm máu của chiến đấu viên Nguyễn Hữu Oanh, ngoài ra không còn một lá cờ nào khác.
Ông cũng nói, nhiều tài liệu trước đây đã nhầm lẫn về việc này. (Ngay trong cuốn sách "Những kỷ vật kháng chiến" (Sự im lặng lên tiếng) –
NXB Công an Nhân dân, trang 41 – có bài viết : "Lá cờ Quyết chiến quyết thắng" của Thiếu tướng Lê Mã Lương cũng từng khẳng định, Tiểu đội trưởng Trần Can là người cắm cờ).
Như vậy, Thiếu tướng Lê Mã Lương nói, lá cờ cắm trên nóc hầm Đờ Cát chỉ là biểu tượng, xuất hiện lần đầu trong bộ phim “Việt Nam trên đường thắng lợi” của nhà quay phim Liên Xô Roman Karmen.
Trong lịch sử, ngày 7/5/1954, Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật dẫn đầu một lực lượng của đại đội mình, trong đó có chiến sĩ Hoàng Đăng Vinh vào hầm Đờ Cát, ra lệnh cho Bộ Tham mưu và tướng Đờ Cát ra hàng.
Sau này, khi Karmen dựng lại những hình ảnh đó cho bộ phim, ông đã giao lá cờ Quyết chiến quyết thắng cho một chiến đấu viên của đại đội cầm lá cờ xông lên. Từ đó, trong tâm tưởng của mọi người đều nghĩ rằng có lá cờ cắm trên nóc hầm của tướng Đờ Cát.
“Tất nhiên, suy cho đến cùng, sau một trận đánh, một chiến dịch, hoặc khi chúng ta có cả một chiến thắng vĩ đại, thì máu xương của dân tộc Việt Nam đã đổ, xương đã chất thành núi, máu đã chảy thành sông, đó là chiến công của cả dân tộc. Chiến thắng Điện Biên Phủ là một chiến thắng vĩ đại, chấn động địa cầu.
Việc không có cảnh cắm cờ trên nóc hầm Đờ Cát không hề làm giảm một chút nào ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn của chiến thắng này”.
Thiếu tướng Lê Mã Lương quả quyết : Sau khi Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam ghi nhận chính xác điều đó, chúng tôi đã cất lá cờ tung bay trên nóc hầm Đờ Cát trước đây có trưng bày ở Bảo tàng. Đó chỉ là một biểu tượng của chiến thắng. Phải tôn trọng sự thật. Ngay cả khi làm tư vấn lịch sử cho một dự án ở di tích Điện Biên Phủ, tôi cũng góp ý rằng, không nên có hình ảnh chiến sĩ ta cắm cờ trên nóc hầm Đờ Cát, vì lịch sử không có chuyện đó”.
Đinh Phương Linh (ghi) – TVN
Bài của VNN Nguồn : Tại đây
|