>> NGHỆ AN |

Vấn đề danh xưng “Nghệ An”: 990 năm hay 984 năm ?!
Tin đăng ngày: 4/9/2020 - Xem: 1463
 
Không có mô tả.
Năm nay, tỉnh Nghệ An rất nhiều lần ấn định thời gian tổ chức đại lễ kỷ niệm “990 năm danh xưng Nghệ An” nhưng đều bị hoãn do dịch Covid và ... “lày lọ”. Sao cứ chuẩn bị tổ chức lại cứ bị hoãn vậy nhỉ. Đơn giản thôi. Ý trời mà. Danh xưng Nghệ An đã dc 990 năm đâu mà đòi tổ chức cái gọi là “990 năm danh xưng Nghệ An” :v
Văn học nghệ thuật thì sáng tạo tẹt ga, nhưng lịch sử thì ko thể nàm zậy dc
Mình viết bài này, thể hiện rõ quan điểm. Mời các bạn đón đọc bài viết này. Lưu ý, đây là trích, chứ ko phải taofn văn.
Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân: “Một lòng tin tưởng vào quốc sử”
 
Nghệ An tự hào là địa phương có tên gọi lâu đời bậc nhất Việt Nam so với nhiều địa phương khác, kể cả các đia phương thuộc những vùng đất cổ của người Việt ở Đồng bằng sông Hồng. Hải Dương – ra đời năm 1469, Ninh Bình – 1822, Nam Định – 1822, Bắc Ninh – 1822, Hà Nội – 1831, Hưng Yên – 1831, Hải Phòng – 1888, Hà Nam – 1890, ... trong khi tên gọi “Nghệ An” ra đời từ đầu thế kỷ 11, và chắc chắn tên gọi này sẽ tồn tại tới muôn đời sau.
 
Trong suốt chiều dài của lịch sử dân tộc, Nghệ An là nơi trọng yếu của đất nước, giao điểm hội tụ của bốn phương. Đây là vị trí trung tâm dễ bề chế ngự trong - ngoài, điều hành nam – bắc. Thời bình thì nhân kiệt địa linh, thời chiến lại tiện về công - thủ. Với vị thế chiến lược đặc biệt quan trọng, lại là địa phương có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa, xứ Nghệ có nhiều đóng góp lớn lao trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Vì vậy, Nghệ An luôn là mối quan tâm đặc biệt của nhiều triều đại, thể hiện qua việc sớm được ghi chép, nhận định và khảo luận đầy đủ, chi tiết trong nhiều bộ chính sử, phương sử, cũng như dư địa chí của các nước lâng bang.
 
Tên gọi “Nghệ An” trong thư tịch cổ
 
Theo đoạn văn ở 1 bài văn bia là ABC có đoạn ghi rõ:“Chúa thượng thưởng lớn, cho sử sách ghi chép công lao, lại tặng thêm mũ ba tầng”, chúng ta thấy thời Lý đã xuất hiện hình thức chép sử kiểu “thực lục” tức ghi chép lại những sự kiện quan trọng của triều đình diễn ra vào thời điểm bấy giờ. Đặc biệt, ở văn bia “ABC phu nhân Lê thị mộ chí” (chùa Phúc Thánh, xã Hương Nộn, huyện Tam Nông tỉnh Phú Thọ) lại ghi rõ:
 
十一年冬十二月初八日丙寅之晨恩旨別葬於地鄉所璞山延齡福聖寺之西隅乃命國史述此芳猷志於墓石 (2)
 
“Thập nhất niên đông, thập nhị nguyệt sơ bát nhật Bính Dần chi thần, ân chỉ biệt táng vu địa hương sở, Phác Sơn, Diên Linh Phúc Thánh tự chi tây ngung. Nãi mệnh quốc sử thuật thử phương du, chí vu mộ thạch”
 
(Mùa đông [niên hiệu Chính Long Bảo Ứng] năm thứ 11, sáng sớm ngày Bính Dần, nhằm mồng 8 tháng 11, ra ơn chỉ cho chôn cất riêng ở góc tây chùa Diên Linh Phúc Thánh thuộc núi Phác tại quê nhà. Rồi lệnh cho quốc sử thuật lại những nết đức tốt đẹp để khắc vào đá mộ)
 
Văn bia này cho biết rõ thêm về nhiều chi tiết quan trọng. Đầu tiên là khái niệm “Quốc sử” đã xuất hiện, hơn nữa lại ghi chép đầy đủ riêng về một nhân vật. Điều này khiến cho chúng ta liên tưởng tới những mục về “Nhân vật chí” ở những bộ thư tịch địa dư vào thời đại sau này. Qua đó cho thấy ngay vào thời Lý đã có Quốc sử, nhưng đáng tiếc là “Quốc sử” hay “sử sách” nói trên không rõ tên và cũng không còn được lưu truyền tới tận ngay nay.
 
Sang thời Trần, có sách “Đại Việt sử ký” (hoàn thành vào năm 1272) của tác giả Lê Văn Hưu, toàn bộ gồm 30 quyển, ghi chép từ thời Triệu Vũ Đế đến Lý Chiêu Hoàng nhưng đáng tiếc là bộ sử này cũng không còn.
 
Sách An Nam chí lược (hoàn thành vào khoảng năm 1335) của tác giả Lê Tắc, trong đó có chép mục: 乂安府路 “Nghệ An phủ lộ” với nội dung “Trong thời Tây Hán là Quận Nhật Nam, đời Tuỳ, Đường gọi là Hoan-Châu” (3). Dựa theo niên đại, có thể khẳng định danh xưng Nghệ An được ghi chép sớm nhất ở bộ sử này. Tuy nhiên, sách lại không ghi rõ việc Hoan Châu đổi tên thành Nghệ An vào năm nào.
 
Sách Việt sử lược (hoàn thành vào năm 1377) (hiện chưa rõ tác giả) có chép: “Niên hiệu Thông Thụy thứ 3, tháng 4, dựng hành doanh tại Hoan Châu” (4) nhưng không đề cập tới việc đổi tên Hoan Châu thành Nghệ An.
 
Sang đến thời Lê, sách Dư địa chí (hoàn thành vào năm 1438) của tác giả Nguyễn Trãi, có chép: “Nghệ An xưa là bộ Hoài Hoan, sau đổi làm quận Nhật Nam, lại gọi là Hoan Châu, thời Đinh và thời Lê là trại, thời Lý đổi là Nghệ An”(5) đã đề cập tới việc đổi tên từ Hoan Châu thành Nghệ An vào thời Lý, nhưng lại không ghi rõ năm nào.
 
Sách Đại Việt sử ký toàn thư (hoàn thành vào năm 1479) của tác giả Ngô Sĩ Liên Năm, có chép: “Bính Tý, [Thông Thụy] năm thứ 3, [Tống Cảnh Hựu năm thứ 3], mùa hạ, tháng 4, đặt Hành doanh ở Hoan Châu, nhân đó mà đổi châu ấy là Nghệ An” (6). Như vậy từ bộ quốc sử này đã cho biết cụ thể chính xác niên đại ra đời của tên gọi “Nghệ An” là năm Bính Tý niên hiệu Thông Thụy thứ 3 (1036)
 
 
Sách Việt sử tiêu án (hoàn thành vào năm 1775) của tác giả Ngô Thì Sĩ, có chép: “Vua cải tên Hoan Châu là Nghệ An” (7) nhưng không nói rõ cụ thể việc đổi tên diễn ra vào năm nào. Tuy nhiên, dựa vào sự kiện trước đó “Đúc chuông chùa Trùng Quang” (theo ĐVSKTT, diễn ra vào niên hiệu Thông Thụy thứ 2), và sự kiện sau đó “Vua lập đền thờ Hoằng Thánh Đại vương” (theo ĐVSKTT, diễn ra vào niên hiệu Thông Thụy thứ 4), ta có thể xác định sự kiện “Vua cải tên Hoan Châu là Nghệ An” diễn ra vào niên hiệu Thông Thụy thứ 3.
 
Sách Quốc sử toản yếu/Nam sử toản yếu (biên soạn vào thế kỷ 18) của tác giả Nguyễn Huy Oánh, có chép: 置驩州行營因改其州曰乂安(8)“Đặt hành doanh tại Hoan Châu, nhân đó mà đổi tên là Nghệ An” nhưng cũng không ghi rõ việc đổi tên diễn ra vào năm nào. Quốc sử toản yếu/Nam sử toản yếu vốn là cuốn sách “toản yếu” tức biên tập từ ĐVSKTT để thu gọn lại, lấy những nội dung cốt yếu để làm ra Quốc sử toản yếu, cho nên những mốc thời gian diễn ra sự kiện đều tuân theo đúng như ĐVSKTT. Dựa vào sự kiện trước đó 帝幸杜洞江信鄉耕籍田農人獻夏禾一莖九穗 “Vua ngự đến Tín Hương ở sông Đỗ Động để cày tịch điền, nông dân dâng lúa hè có 9 bông” (theo ĐVSKTT, diễn ra vào niên hiệu Thiên Thành thứ 2) và sự kiện sau đó 詔起資成利人示豊等庫五十所于本州“xuống chiếu cho khởi dựng Tư Thành, Lợi Nhân, Thị Phong [ĐVSKTT chép Vĩnh Phong] gồm 50 sở thuộc châu này” (theo ĐVSKTT, diễn ra vào niên hiệu Thông Thụy thứ 4, ta có thể xác định sự kiện “Đặt hành doanh tại Hoan Châu, nhân đó mà đổi tên là Nghệ An” diễn ra vào niên hiệu Thông Thụy thứ 3.
 
Sách Đại Việt sử ký tiền biên (biên soạn năm 1800) cũng của tác giả Ngô Thì Sĩ, có chép: “Bính Tý, năm Thông Thụy thứ 3 đời Lý Thái Tông, mùa hạ, tháng 4, đặt hành doanh ở Hoan Châu, đổi tên châu ấy là châu Nghệ An” (9)
 
Sang thời Nguyễn, sách Lịch triều hiến chương loại chí (biên soạn vào khoảng năm 1809 – 1819) của tác giả Phan Huy Chú, có chép: “Năm Thiên Thành thứ 6, đời Lý Thái Tông đổi châu Hoan làm Nghệ An” (10)
 
Sách Hoàng Việt dư địa chí cũng của tác giả Phan Huy Chú, có chép: “Niên hiệu Thiên Thành thứ 3, thời Lý Thái Tông, đổi tên Hoan Châu thành Nghệ An” (11)
 
Sách Nghệ An ký (biên soạn vào những thập niên đầu thế kỷ 19) của tác giả Bùi Dương Lịch, có chép “Năm Thiên Thành thứ 3, Lý Thái Tông đổi Hoan Châu làm Nghệ An” (12)
 
Sách Nghệ An phong thổ ký (biên soạn trước Nghệ An ký) cũng của tác giả Bùi Dương Lịch, trong phần lời tựa của Nguyễn Hành có chép: 今所稱乂安者李朝通瑞三年所改定也 “Nay gọi là Nghệ An ấy là bởi được đổi lại từ niên hiệu Thông Thụy thứ 3 triều nhà Lý vậy” (13)
 
Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (biên soạn trong khoảng năm 1856–1884) của Quốc sử quán triều Nguyễn, có chép: “Bính Tý, năm Thông Thụy thứ 3, tháng 4, mùa hạ, đổi Hoan Châu làm Nghệ An châu trại” (14)
SáchViệt sử tập yếu tiện lãm, có chép: 改驩州曰乂安州寨又置資成利人永豊等庫十五所 (15) “Đổi Hoan Châu thành Nghệ An châu trại, lại đặt các kho Tư Thành, Lợi Nhân, Vĩnh Phong gồm 15 sở” [ĐVSKTT chép 50 sở] phía dưới có chú thêm dòng chữ nhỏ 此事在丙子年夏 “Việc này diễn ra vào mùa hè năm Bính Tý”, tác xác định được năm Bính Tý được nói đến ở đây thuộc niên hiệu Thông Thụy thứ 3.
 
Sách Đại Nam nhất thống chí (biên soạn dưới thời vua Tự Đức) của Quốc sử quán triều Nguyễn. Đây là bộ sách lớn nhất và quan trọng nhất về địa chí Việt Nam dưới thời phong kiến, có chép: “Đời Lý năm Thuận Thiên thứ nhất lấy Hoan Châu làm trại. Năm Thông Thụy thứ 3 đổi là châu Nghệ An (tên Nghệ An bắt đầu từ đây)” (16)
 
Sách Sử học bị khảo (biên soạn vào thế kỷ 19) của tác giả Đặng Xuân Bảng, có chép: “Đời Hán là Hàm Hoan, đời Đường là 2 châu Hoan, Diễn. Đời Lý năm Thông Thụy thứ 3 đổi là Nghệ An” (17)
 
Sách Đại Nam quốc sử diễn ca (biên soạn dưới thời vua Tự Đức) của tác giả Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái, có chép: 通瑞三年改驩州曰乂安 “Niên hiệu Thông Thụy năm thứ 3, đổi Hoan Châu thành Nghệ An” (18)
 
Sách Việt sử địa dư (biên soạn vào thế kỷ 19) của tác giả Phan Đình Phùng, có chép: “…Nhà Đinh, nhà Tiền Lê đặt làm Hoan Châu, nhà Lý đổi làm trại. Niên hiệu Thiên Thành năm thứ 2, đổi là Nghệ An…” (19)
 
Qua một số bộ sử và địa dư nổi tiếng của nước ta từ thời Trần đến thời Nguyễn, toàn bộ thông tin về mảnh đất Nghệ An luôn được ghi chép chi tiết và rõ ràng, trong đó có mốc thời gian đổi tên gọi Hoan Châu thành Nghệ An. Xin xem bảng dưới đây:
 
Nhìn vào bảng kê trên chúng ta thấy niên đại đổi tên từ Hoan Châu thành Nghệ An không có sự đồng nhất với nhau. Niên đại Thông Thụy thứ 3 (1036) được nhiều sách ghi chép nhất trong đó đại diện nổi bật là bộ quốc sử Đại Việt sử ký toàn thư, còn niên đại Thiên Thành thứ 3 (1030) được hai bộ địa chí nhắc đến mà tiêu biểu là bộ Nghệ An ký – vốn là bộ phương chí lớn nhất của nước ta.
 
Vậy tên gọi Nghệ An ra đời vào năm nào?
 
Theo chúng tôi tên gọi Nghệ An ra đời vào niên hiệu Thông Thụy thứ 3 (1036) như ghi chép của Đại Việt sử ký toàn thư – quốc sử, chứ không ra đời vào niên hiệu Thiên Thành thứ 3 (1030) như ghi chép của Nghệ An ký – địa phương chí.
 
Vấn đề đổi tên gọi của một đơn vị hành chính trực thuộc chính quyền trung ương là một sự kiện lớn, là một phần không thể tách rời trong dòng chảy của lịch sử dân tộc. Hơn nữa, việc đổi tên gọi này lại do triều đình thực hiện, nên ắt được quốc sử ghi lại một cách rõ ràng.
 
Đại Việt sử ký toàn thưlà bộ chính sử của nước ta xưa nhất tồn tại nguyên vẹn đến ngày nay, do nhiều đời sử quan dưới triều Hậu Lê biên soạn. Đây là kho tư liệu phong phú không chỉ dành riêng cho cho ngành sử học mà còn giúp ích cho nhiều ngành khoa học xã hội khác như văn học, bảo tàng, khảo cổ… góp phần cực kỳ quan trọng vào việc hiểu rõ nhiều sự kiện diễn ra trên nhiều vùng đất trên đất nước ta qua các thời kỳ lịch sử. Đặc biệt, vào năm Minh Trị thứ 17 (1884) chính phủ Nhật Bản đã cho xuất bản bộ Đại Việt sử ký toàn thư. Người phụ trách biên tập xuất bản là ông Dẫn Điền Lợi Chương - giữ chức Trợ giáo kiêm tham mưu bản bộ lục quân đại học hiệu có đánh giá: “Sử An Nam không có sách nào đầy đủ hơn sách này, nên mới có tên gọi là Toàn thư”. Tại Trung Quốc, vào ngày 1/5/2006, Nhà xuất bản Đại học sư phạm Tây Nam xuất bản bộ Đại Việt sử ký toàn thư lưu hành tại Trung Quốc, với lời nhận định: 大越史記全書與高麗史大日本史等一起作為周邊國家正史文獻是越南古代歷史最有代表性也是最完整的一部史書 (“Đại Việt sử ký toàn thư” cùng với “Sử Cao Ly”, “Sử Đại Nhật Bản” là các bộ chính sử văn hiến của các quốc gia láng giềng, là cuốn sách lịch sử tiêu biểu và đầy đủ nhất của lịch sử Việt Nam thời cổ đại)…
 
Như chúng tôi đã nói từ trước, từ thời Lý nước ta đã có quốc sử, tuy không còn lưu truyền đến tận ngày nay nhưng ắt hẳn đã được những sử quan thời đại sau tham khảo và biên soạn ra những bộ sử khác như Đại Việt sử ký hay Đại Việt sử lược.Thời Lê, sử quan Ngô Sĩ Liên cũng đã tham khảo từ những bộ sử thời Trần để biên soạn nên Đại Việt sử ký toàn thư. Với vị thế đặc biệt quan trọng như vậy nên các bộ quốc sử chính thống của Việt Nam sau này như Đại Việt sử ký tiền biên(triều Lê – Trịnh), Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục (triều Nguyễn)… đều được biên soạn dựa trên cơ sở cốt yếu lấy từ Đại Việt sử ký toàn thư; hay như các bộ phương chí khi viết về những sự kiện nhân vật lịch sử địa phương cũng đều dẫn nguồn từ đó. Vì vậy, khi bất cứ thông tin sự kiện nào được viết khác với Đại Việt sử ký toàn thư tất phải có sự giải thích hay kiến giải cụ thể để chứng minh cho sự khác biệt đó. Nghệ An ký (và Hoàng Việt dư địa chí) cho rằng Hoan Châu đổi tên thành Nghệ An vào năm Thiên Thành thứ 3 (1030) nhưng lại chưa có lời giải thích thỏa đáng nên chúng ta không biết được thông tin đó dựa trên nguồn văn bản nào khác có tính xác thực hơn, chuẩn xác hơn. Cho nên thông tin Hoan Châu đổi tên thành Nghệ An năm Thiên Thành thứ 3 (1030) trong Nghệ An ký và Hoàng Việt dư địa chí là chưa đủ cơ sở khoa học.
 
 
Nếu như năm Thiên Thành thứ 3 (1030), Hoan Châu đổi tên thành Nghệ An như sách Nghệ An ký đã chép, vậy tại sao những năm tiếp theo trong bộ chính sử mà cụ thể là Đại Việt sử ký toàn thư vẫn sử dụng cái tên Hoan Châu? Cụ thể:
- Năm Tân Mùi, niên hiệu Thiên Thành năm thứ 4 (1031) (niên hiệu Tống Thiên Thánh năm thứ 9). Mùa xuân, tháng giêng, châu Hoan làm phản, cho Đông cung thái tử làm Giám quốc. Quân đi từ Kinh sư đến châu Hoan, người châu ấy đầu hàng. Xuống chiếu tha tội cho các quan châu huyện, sai Trung sứ phủ dụ dân chúng. Tháng 3, vua từ châu Hoan về đến Kinh. (20)
 
- Năm Giáp Tuất, niên hiệu Thiên Thành năm thứ 7 (1034), (Từ tháng 4 về sau là niên hiệu Thông Thụy năm thứ 1 (Tống Cảnh Hựu năm thứ 1), tháng 6, châu Hoan đem dâng con thú một sừng, sai Viên ngoại lang là Trần Ứng Cơ, Vương Văn Khánh đem sang biếu nhà Tống. (21)
 
Đại Việt sử ký toàn thư là bộ sử chính thống của nhà nước, biên soạn theo phương pháp biên niên, lại tham khảo và biên soạn dựa trên bộ sử có niên đại rất gần với thời Lý là Đại Việt sử ký (1272). Một địa phương có vị trí chiến lược, vị thế trọng yếu, xuất hiện với tần suất cao trong sử sách như Nghệ An thì trong một bộ quốc sử khó có thể ghi chép sai lệch đến tận 5 năm được.
 
Còn việc đổi tên từ Hoan Châu thành Nghệ An, Đại Việt sử ký toàn thư ghi rõ:
 
丙子三年宋景祐三年夏四月置驩州行營因改其州曰乂安
 
“Bính Tý tam niên (Tống Cảnh Hựu tam niên) hạ tứ nguyệt, trí Hoan Châu Hành doanh, nhân cải kỳ châu viết Nghệ An
 
(Tháng tư, mùa hè năm Bính Tý thứ 3 [niên hiệu Tống Cảnh Hựu năm thứ 3] đặt Hành doanh ở Hoan Châu, nhân đó mà đổi châu ấy là Nghệ An) (22)
 
Năm Bính Tý thứ 3, tức niên hiệu Thông Thụy năm thứ 3, Châu Hoan chính thức đổi tên thành Nghệ An. Chính vì vậy, từ đó về sau vùng đất này đều sử dụng tên gọi mới là “Nghệ An” còn tên gọi cũ là Hoan Châu đã không còn được sử dụng. Cụ thể:
 
- Năm Đinh Sửu, niên hiệu Thông Thụy năm thứ 4 (1037) (Tống Cảnh Hựu năm thứ 4), xuống chiếu cho châu Nghệ An dựng các kho ở trong châu như Tư Thành, Lợi Nhân, Vĩnh Phong, tất cả 50 sở. (23)
 
- Năm Tân Tỵ, niên hiệu Càn Phu Hữu Đạo năm thứ 3 (1041) (Tống Khánh Lịch năm thứ 1), tháng 11, xuống chiếu cho Uy Minh hầu Nhật Quang làm tri châu Nghệ An. (24)
 
Điều đáng chú ý là năm Thông Thụy thứ 3 (1036), nhà Lý đã làm một việc quan trọng và có dấu ấn đậm nét là đặt một Hành doanh tại vùng Hoan Châu, cho nên nhân sự kiện này mà đổi tên Hoan Châu thành Nghệ An. Vì vậy, cho tới năm 1044 khi vua Lý Thái Tông đi đánh Chiêm Thành đã quay trở lại Hành doanh này, bấy giờ gọi là Hành doanh Nghệ An chứ ko còn là Hành doanh Hoan Châu nữa.
 
Bên cạnh đó, sách Hoàng Việt dư địa chíLịch triều hiến chương loại chí tuy có cùng một tác giả biên soạn nhưng thông tin lại không thống nhất: trong Hoàng Việt dư địa chí, tác giả ghi Hoan Châu đổi tên thành Nghệ An năm Thiên Thành thứ 3 (1030); trong khi ở Lịch triều hiến chương loại chí thì tác giả lại ghi Hoan Châu đổi tên thành Nghệ An vào năm Thiên Thành thứ 6 (1033).
 
 
Đặc biệt nhất, trong tác phẩm Quan Đông Hảicủa Nguyễn Hành – một tác gia lớn thuộc nhóm “An Nam ngũ tuyệt” có rất nhiều ghi chép giá trị về Nghệ An trong đó nổi bật nhất là những bài viết về văn hóa, lịch sử và địa dư, cung cấp thêm những thông tin hết sức hữu ích được chính tác giả khảo luận hết sức công phu và nghiêm túc. Và tất nhiên không thể không đề cập tới mốc thời gian xuất hiện danh xưng “Nghệ An”. Trong bài tựa cho sách “Nghệ An phong thổ ký” tác giả có viết:
 
…乂安者我越南國之雄鎮也稽古周辰有越裳氏者国於其間自秦而下列為郡縣至隨始為驩州又以其在夏至日道之南謂之日南郡今所稱乂安者李朝通瑞三年所改定也其地北連清花南抵順化西接哀牢東極于海凡領府九縣二十四州二內四府十二縣為聲教外五府十二縣為羈縻…
 
Nghệ An là một trấn hùng mạnh của nước Việt Nam ta vậy. Xét từ xưa, thời nhà Chu có họ Việt Thường mà nước đó lại nằm ngay ở khoảng đất (thuộc Nghệ An này). Từ thời nhà Tần trở về sau này đều phân làm quận huyện, nhiều mà hỗn tạp không đồng nhất. Đến thời nhà Tùy, bắt đầu gọi là Hoan Châu, lại lấy việc vùng này ở phía nam của đường mặt trời làm ngày Hạ chí cho nên gọi là quận Nhật Nam. Nay gọi là Nghệ An ấy là bởi được đổi lại từ niên hiệu Thông Thụy thứ 3 triều nhà Lý vậy. Đất này, bắc liền với Thanh Hoa, nam lại đến Thuận Hóa, tây tiếp giáp nước Lào, đông thì nhìn ra biển. Tất cả gồm 9 phủ, 24 huyện, 2 châu, trong đó có 4 phủ 12 huyện là nơi nổi tiếng về giáo hóa, còn lại 5 phủ 12 huyện là Ki mi.
 
Nghệ An với vị thế là địa phương có bề dày văn hóa nên xưa nay luôn là đối tượng nghiên cứu và biên soạn của nhiều tác giả lớn trong nhiều công trình dư địa chí có giá trị. Nhưng trong mỗi thư tịch đều có kiến giải và quan điểm riêng về một thông tin hay sự kiện nào đó trong lịch sử, mà trong đó việc khẳng định mốc thời gian xuất hiện danh xưng “Nghệ An” còn có những thông tin chưa thống nhất. Nghệ An ký tuy là tác phẩm địa chí lớn nhất viết về Nghệ An, được đánh giá cao về phương pháp biên soạn nghiêm túc và nguồn sử liệu dồi dào, nhưng đây chỉ là tác phẩm phương chí chứ không phải quốc sử, chính sử, chính vì vậy Nghệ An kýkhông biên niên các sự kiện lớn theo dòng chảy lịch sử dân tộc như các bộ chính sử mà cụ thể là bộ Đại Việt sử ký toàn thư. Hơn nữa, Nghệ An ký lại được biên soạn vào thế kỷ 19, thời gian cách quá xa sự kiện được nói đến, độ xác tín ở những sự kiện lịch sử tất nhiên sẽ không có sức nặng như bộ chính sử Đại Việt sử ký toàn thư được. Chính vì vậy, theo chúng tôi thì danh xưng Nghệ An ra đời vào niên hiệu Thông Thụy thứ 3 (1036).
 
TRẦN MẠNH CƯỜNG 
Nguồn : Tại đây 
Từ khóa: danh xưng Nghệ An 990 năm hay 984 năm ,

khác:

3/5/2024 - TP Vinh mở rộng và sáp nhập, phường nào sẽ mất tên gọi?
26/4/2024 - Thiếu tướng Lê Mã Lương nói về chuyện tôn trọng lịch sử
26/4/2024 - Tự bạch của Mác trả lời con gái
19/4/2024 - Luật sư dỏm lừa “chạy án” chiếm đoạt hơn 2 tỷ đồng
28/11/2023 - Hà tĩnh : Vạch trần nhóm đối tượng lợi dụng danh nghĩa báo chí trục lợi mỗi tháng hơn 1 tỷ đồng
23/11/2023 - Người đẹp nổi tiếng sau trận Việt Nam - Iraq sở hữu họ cực hiếm, 19 năm ít gặp ai trùng
13/11/2023 - Cô giáo Lê Thị Dung đã hưởng chế độ hưu trí
12/11/2023 - Bộ Công an được hưởng 85% số thu phạt vi phạm giao thông từ ngân sách 2022
8/11/2023 - Chương trình Ngày hội kết đoàn năm 2023 tổ chức ở phố đi bộ TP Vinh
19/4/2023 - Bạo lực học đường là gì? Quy định về chống bạo lực học đường
16/4/2023 - Phát hiện đối tượng xâm nhập trái phép vào Việt Nam
30/3/2023 - Cửa lò Siết chặt xe điện: Cần chấm dứt hành vi cho con nghỉ học để phản đối
10/3/2023 - Nóng: Bộ GTVT kiến nghị để lực lượng của Bộ Công an tham gia đăng kiểm xe ô tô
27/2/2023 - Giám đốc Công ty Cổ phần bất động sản Phoenix bị khởi tố
25/2/2023 - Nhà báo Hàn Ny là ai ?
 
  Video Clips  
Video
500 người dân đóng MV của Phạm Phương Thảo về quê hương Nghi Lộc
Nghệ An: Thót tim bé trai 1 tuổi khóc thét khi bị khống chế trên sân thượng
Nghi vấn người đàn ông ở Gia Lai biết chính xác vị trí MH370 rơi cách đây hơn 4 năm
Hà tĩnh : Hotgirl bị người yêu công an còng tay tại nhà trọ
Lâm Đồng đề nghị công an vào cuộc vụ Á hậu Thư Dung mặc phản cảm ở điểm du lịch tại Đà Lạt
Á hậu Thư Dung là chân dài tạo dáng phản cảm ở Tuyệt tình cốc Đà Lạt?
Nghệ an : Cô giáo đồng loạt quỳ, trường nói bột phát, chính quyền nghi sắp đặt
Hà Tĩnh: Phóng viên chổng mông, giơ ngón tay giễu cợt cơ quan chức năng
Tiếp viên ngực trần rót bia trong karaoke không phép ở Sài Gòn
Chủ nhân xe SH trong câu chuyện vô cảm khi thấy hiệp sĩ bị đa^m đêm qua chính thức lên tiếng
  Tiêu điểm  
TP Vinh mở rộng và sáp nhập, phường nào sẽ mất tên gọi?
Thiếu tướng Lê Mã Lương nói về chuyện tôn trọng lịch sử
Tự bạch của Mác trả lời con gái
Luật sư dỏm lừa “chạy án” chiếm đoạt hơn 2 tỷ đồng
Hà tĩnh : Vạch trần nhóm đối tượng lợi dụng danh nghĩa báo chí trục lợi mỗi tháng hơn 1 tỷ đồng
Người đẹp nổi tiếng sau trận Việt Nam - Iraq sở hữu họ cực hiếm, 19 năm ít gặp ai trùng
Cô giáo Lê Thị Dung đã hưởng chế độ hưu trí
Trang chủ |  Tin 24h   |  Xã hội   |  Pháp luật   |  Kinh tế   |  Nghệ An   |  Quốc tế   |  Khoa - Giáo   |  Cư dân mạng   |  Giải trí   |  Đời sống   |  Quảng cáo