“Sống dở chết dở”
Công ty TNHH Mía đường NASU (Nghệ An) là DN đã được UBND tỉnh Nghệ An quy hoạch vùng nguyên liệu mía tại các huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu. Các năm qua, doanh nghiệp đã đầu tư cho toàn bộ hộ nông dân vay vốn để trồng mía.
Theo đại diện lãnh đạo doanh nghiệp này, tính riêng năm 2017, Công ty đã cho các hộ nông dân vay với tổng số tiền 110 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ không hoàn lại để trồng mía hơn 6 tỷ đồng. Không chỉ đầu tư cho nông dân vay tiền, doanh nghiệp còn ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm mía.
Tuy nhiên, hiện nay Công ty lại đang rơi vào cảnh “sống dở chết dở”, khi hàng năm mất hơn 100.000 tấn mía, chiếm gần 20% tổng sản lượng vào tay doanh nghiệp khác. Cụ thể, Công ty TNHH Mía đường NASU đã bị Công ty CP Mía đường Sông Con (Nghệ An) tổ chức thu mua mía trong vùng đã được UBND tỉnh Nghệ An quy hoạch cho Công ty TNHH Mía đường NASU với sản lượng hơn 100.000 tấn mía. Hệ thống tư thương của Công ty CP Mía đường Sông Con đã chi trả giá mía cao hơn của Công ty TNHH Mía đường NASU khoảng 20.000 đồng/tấn để “hớt tay trên”.
“Động thái này làm xáo trộn mạnh kế hoạch thu hoạch, vận tải mía giữa các địa bàn trên vùng nguyên liệu của doanh nghiệp, đồng thời gây khó khăn về bố trí nhân công thu hoạch, phương tiện vận chuyển mía. Bên cạnh đó, Công ty cũng thất thu các khoản vốn đã đầu tư cho nông dân”, đại diện Công ty TNHH Mía đường NASU cho hay.
Ngoài Công ty TNHH Mía đường NASU, Công ty CP Mía đường Sông Lam (Nghệ An) cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Điểm chung là, doanh nghiệp tranh mua mía vẫn chính là Công ty CP Mía đường Sông Con.
“Dù mới bước vào vụ thu hoạch mía, song hiện nay vùng nguyên liệu được tỉnh quy hoạch cho nhà máy của Công ty CP Mía đường Sông Lam cũng đã bị các các tư thương của Công ty CP Mía đường Sông Con đến mua tranh. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến quá trình ép mía của nhà máy”, đại diện Công ty CP Mía đường Sông Lam cho hay.
Thua thiệt cho cả ngành mía đường
Trên thực tế, tình trạng tranh mua nguyên liệu không lành mạnh giữa các doanh nghiệp mía đường như trên không phải chuyện mới mẻ. Nhìn nhận về câu chuyện này, ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng, hậu quả gây ra không chỉ ảnh hướng đến lợi ích của riêng doanh nghiệp, mà còn ảnh hưởng đến chất lượng của toàn ngành mía đường.
Ông Doanh lý giải: Mía đường được thu mua theo 2 dạng. Thứ nhất là mua đầu tấn và thứ hai là mua theo trữ lượng đường trên một đơn vị khối lượng. Tình trạng tranh mua tranh bán mía nguyên liệu khiến một số doanh nghiệp thu mua xô mía của nông dân về ép mà không mua theo trữ lượng đường. Từ đó, nông dân không quan tâm đến chất lượng cũng như trữ lượng đường trong mía, gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng của ngành mía đường.
Ngoài ra, chỉ nhìn thấy lợi ích trước mắt, bán mía cho doanh nghiệp trả giá cao lên, về lâu dài cũng khiến người nông dân chịu thua thiệt. “Mía ở Nghệ An thường có trữ lượng đường lớn, lẽ ra giá thu mua có thể tăng thêm vài trăm nghìn đồng/tấn nguyên liệu. Trong khi nếu mua xô, doanh nghiệp chỉ trả giá chung ở mức độ nhất định, thua thiệt cho nông dân”, ông Doanh nói.
Trong trường hợp của Công ty TNHH Mía đường NASU và Công ty CP Mía đường Sông Lam kể trên, các doanh nghiệp này đã nhiều lần báo cáo đến các cấp chính quyền địa phương, song sự việc đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Một số chuyên gia nông nghiệp đánh giá, trong khi ngành mía đường đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như hiện tại, các bộ, ngành liên quan cần có giải pháp mạnh tay hơn nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng tranh mua tranh bán nguyên liệu, góp phần giúp các doanh nghiệp gia tăng sức cạnh tranh, đảm bảo sự phát triển bền vững hơn.