Hôm qua (24-1), Venezuela bước vào giai đoạn khủng hoảng trầm trọng khi Chủ tịch Quốc hội Juan Guaido, người đứng đầu phe đối lập, tuyên bố trở thành tổng thống lâm thời của Venezuela. Trong khi đó, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tiếp tục có các động thái mạnh về mặt ngoại giao để phản đối bất kỳ quốc gia nào công nhận ông Guaido.
Tuy nhiên, điều mà giới quan sát quan tâm nhất hiện nay chính là sự chia rẽ trầm trọng đang xảy ra trong lòng Venezuela - quốc gia đang đối diện với tình trạng suy thoái kinh tế và hỗn loạn xã hội rất mạnh mẽ. Rõ ràng cuộc khủng hoảng dẫn đến một quốc gia có hai tổng thống như hiện nay không đơn thuần chỉ là tức thời.
Thời hoàng kim
Cho đến giai đoạn 1970, Venezuela được xem là quốc gia giàu có nhất ở Mỹ Latin. GDP của đất nước này, với sự góp phần to lớn của nguồn dầu mỏ, có thời điểm cao hơn Tây Ban Nha, Hy Lạp và Israel. Đến những năm 1980, lo ngại đất nước rơi vào tình trạng cạn kiệt nguồn “vàng đen” nên các chính trị gia chủ trương hạn chế sản xuất dầu. Cũng trong khoảng thời gian này, giá dầu thế giới bắt đầu giảm theo cơ chế thị trường.
Bộ đôi “giảm xuất khẩu dầu” và “giá dầu giảm” khiến nền kinh tế Venezuela bắt đầu tổn thương. Từ năm 1980 đến 1990, GDP bình quân đầu người của Venezuela tuột dốc thê thảm, ước tính giảm đến 46%. Nhà lãnh đạo đình đám Hugo Chavez tìm cách vực dậy nền kinh tế đất nước bằng cách quốc hữu hóa các ngành công nghiệp, đồng thời đổ một lượng tiền lớn của chính phủ vào các chương trình xã hội.
Dưới thời lãnh đạo của Tổng thống Hugo Chavez, giai đoạn 1999-2013, tỉ lệ thất nghiệp giảm đi một nửa, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp đôi, tỉ lệ nghèo đói giảm hơn một nửa, giáo dục được cải thiện đáng kể trong khi tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh cũng giảm nhiều, theo thông tin của Vox.
Carmen Ruiz, người dân Venezuela sống ở thủ đô Caracas, nói với tờ The New Yorker rằng “mọi thứ dưới thời ông Chavez đều trở nên tốt hơn. Nhiều khu cư trú tạm bợ ở vùng El Calvario mọc lên những ngôi nhà mới. Mẹ tôi, người vốn rất thông minh nhưng chưa bao giờ được đến trường, cuối cùng cũng được học chữ khi bà ấy đã ngoài 70 tuổi”.
George Ciccariello-Maher, một học giả Venezuela tại Trường ĐH Drexel, nói trên tờ Voxrằng ông Chavez là một lãnh đạo vĩ đại, một chính trị gia xuất sắc. “Ông ấy có những khả năng mà rất nhiều người không sở hữu được. Năng lực của ông ấy khiến nhiều người phải kinh ngạc” - tờ The Week dẫn lại lời của Ciccariello-Maher.
Venezuela đang rơi vào tình trạng khủng hoảng tồi tệ nhất trong vòng vài thập niên qua. Ảnh: AP
Ầm ĩ các vấn đề chính sách
Ông Chavez qua đời năm 2013 vì căn bệnh ung thư khi ông 58 tuổi. Thời điểm đó ông Chavez chỉ vừa bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống thứ ba. Người kế nhiệm - Tổng thống Nicolas Maduro đã trở nên mờ nhạt và gần như bất lực trong việc tạo ra đột phá.
Venezuela bước qua thập niên đầu tiên của thế kỷ 21 đã xuất hiện nhiều dấu hiệu báo trước một cuộc khủng hoảng. Những lời ca ngợi ông Chavez nhanh chóng được nhiều chuyên gia kinh tế khắp thế giới phản biện một cách “sòng phẳng”, trong đó bao gồm các hạn chế từ các chính sách mà ông Chavez đã duy trì trong nhiều năm liền.
Việc quốc hữu hóa các ngành công nghiệp đã làm hạn chế đáng kể năng lực của nền kinh tế này. Ngành kinh tế tư nhân dường như rơi vào tình trạng “thây ma” dưới áp lực của chính quyền Chavez. Trong khi đó, cơ chế quản lý doanh nghiệp nhà nước từ thời ông Chavez cũng không thể phát huy năng lực sản xuất khiến hàng hóa cung ứng trong nước (ngay cả các loại nhu yếu phẩm rất cơ bản) trở nên thiếu hụt và giá cả tăng vọt.
Trong khi ngành sản xuất ngày càng yếu ớt và tê liệt, các gói tiền chính phủ khổng lồ đổ vào các chương trình xã hội (bao gồm y tế, giáo dục, phúc lợi xã hội) làm gia tăng áp lực lên ngân sách chính phủ. Vì nền kinh tế không tạo ra các giá trị thặng dư, Venezuela đã dựa vào dầu mỏ. Có đến 95% ngân sách nước này phụ thuộc vào dầu mỏ, trong khi giá dầu thế giới từ năm 2014 bắt đầu giảm mạnh khi thị trường dầu mỏ trở nên dư thừa hơn.
Trong năm 2017, tỉ lệ lạm phát của quốc gia Nam Mỹ này đã vượt quá 2.600% và theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thì năm 2018 có thể lên tới 1.000.000%. |
Bùng nổ khủng hoảng
“Ngoài việc là một chính trị gia xuất thân nghèo khó, ông Maduro cũng thiếu hụt thứ tài sản rất quý giá mà thời ông Chavez từng có, đó chính là nguồn tiền từ dầu mỏ” - tờ The Week bình luận. Đến thời ông Maduro, lạm phát tăng mạnh khiến rất nhiều người dân Venezuela không thể mua nổi những thứ cơ bản nhất phục vụ cuộc sống, bao gồm thuốc men và thức ăn. Các chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng ngày càng tồi tệ: Ước tính cứ ba bệnh nhân vào bệnh viện công thì có một người tử vong.
Hệ thống giao thông công cộng, đặc biệt ở các TP nằm ngoài thủ đô Caracas, trở nên yếu kém và không đáp ứng nhu cầu người dân. Phóng viên Alex Vasquez của tờ AFP đã đến thăm San Juan de los Morros, TP ở miền Trung Venezuela, đã rất nhanh chóng phát hiện ra rằng “không có bất kỳ thứ gì đang hoạt động” ở nơi này.
Một giáo viên tại đây nói với Vasquez rằng người dân chỉ nhận được nước sinh hoạt một lần mỗi tháng. Thời gian còn lại, họ phải tự tìm cách mua. “Có những lúc chúng tôi không có điện để dùng trong suốt 24 giờ đồng hồ” - cô giáo này nói thêm.
Tổng thống Maduro thường xuyên đổ lỗi cho phe đối lập đã phá hoại để gây ra những hậu quả nghiêm trọng với đất nước. Nhà xã hội học Francisco Coello nói với AFP rằng thực tế chính phủ Venezuela đã đặt người dân vào tình thế phải chọn lựa: hoặc là rời bỏ đất nước này, hoặc sẽ phải phụ thuộc vào những phúc lợi của nhà nước.
Tiếc thay cho ông Maduro, đó là một hướng đi sai lầm. Hàng ngàn người dân đã xuống đường bởi cuộc khủng hoảng việc làm, tài chính, xã hội - một cuộc khủng hoảng toàn diện đang đặt lên vai người dân những gánh nặng mà họ không thể im lặng.
Tình trạng bị cô lập ngoại giao, cấm vận kinh tế • Ngày 20-5-2018: Đương kim Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro giành chiến thắng trong cuộc bầu cử với hơn 67% phiếu bầu. • Ngày 6-11-2018: Liên minh châu Âu (EU) thông qua quyết định kéo dài thêm một năm lệnh trừng phạt đối với Venezuela nhằm gây sức ép chính trị đối với chính phủ của Tổng thống Maduro. • Ngày 8-1-2019: Bộ Tài chính Mỹ thông báo nước này đã ban hành các lệnh trừng phạt mới nhằm vào bảy cá nhân và hàng chục thực thể tại Venezuela. Mỹ cũng áp đặt lệnh trừng phạt đối với một mạng lưới giao dịch tiền tệ của Venezuela. • Ngày 10-1-2019: Tổng thống Maduro đã tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai trong bối cảnh nhiều người chỉ trích, nói rằng ghế lãnh đạo của ông là không hợp pháp sau cuộc bầu cử bị coi là gian lận vào năm ngoái. Cùng ngày, chính phủ Paraguay đã tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Venezuela. • Ngày 21-1-2019: Một nhóm lính Vệ binh quốc gia đã chiếm một trạm cảnh sát ở Tây Caracas. Sau đó nhóm này lên hai xe tải quân sự di chuyển tới TP Petare, khu vực phụ cận thủ đô Caracas. Một người đàn ông tự nhận là trung sĩ Alexander Bandres Figueroa kêu gọi người dân Venezuela xuống đường biểu tình, lật đổ Tổng thống Maduro. • Ngày 23-1-2019: Ông Guaido - người đứng đầu phe đối lập vận động sự ủng hộ, kêu gọi hàng chục ngàn người biểu tình xuống đường chống lại Tổng thống Maduro. Đặc biệt, ông Guaido tuyên bố trở thành tổng thống lâm thời của Venezuela. Mỹ và một vài quốc gia như Brazil, Argentina, Colombia, Canada, Chile, Peru, Paraguay, cùng với nhiều người dân Venezuela bày tỏ sự ủng hộ đối với các tuyên bố của ông Juan Guaido. Trong khi đó, Nga và một số nước khác như Cuba, Bolivia, Mexico bày tỏ sự ủng hộ với chính quyền Tổng thống Maduro. • Cùng ngày 23-1-2019: Tổng thống Maduro cho biết ông đã cắt đứt quan hệ với Mỹ và cho các nhà ngoại giao Mỹ 72 giờ để rời khỏi Venezuela. Phía Mỹ từ chối rút viên chức ngoại giao về nước, dọa “sẽ đáp trả thỏa đáng” nếu các viên chức Mỹ tại Caracas bị nguy hiểm. • Giới quan sát tin rằng nhiều khả năng Tổng thống Maduro sẽ dùng các biện pháp mạnh tay, không loại trừ các giải pháp quân sự để giải quyết mâu thuẫn với “tổng thống” đối lập Guaido. Xã hội gặp muôn vàn khó khăn Hiện nền kinh tế Venezuela đang thiếu hụt hàng hóa trầm trọng và giá cả tăng vọt. Cùng với suy thoái kinh tế là tình trạng lạm phát phi mã, lương thực và thuốc men khan hiếm. Đồng bolivar được đưa vào lưu hành cách đây 10 năm nhưng đã liên tục lao dốc trong những năm gần đây vì lạm phát quá cao. Để chặn đà lạm phát phi mã, ông Maduro đã thông báo kế hoạch đổi tiền tại nước này. Đồng nội tệ của Venezuela được điều chỉnh giảm năm số 0 và có tên gọi mới là đồng “bolivar chủ quyền”. Giá trị của đồng tiền mới dựa trên cơ sở giá trị đồng petro, đồng tiền điện tử của Venezuela được định giá theo giá dầu (1 petro tương đương với 60 USD). |