Nhà thầu đang dồn sức hoàn thiện các hạng mục còn lại tại cầu cảng số 3 và 4 để kịp tiến độ đưa vào khai thác.
Đón bắt cơ hội phát triển vận tải đường biển, các doanh nghiệp khai thác cảng biển Hà Tĩnh đã và đang tập trung nguồn lực đầu tư, hoàn thành các cầu cảng Vũng Áng nhằm sớm đưa vào khai thác.
Tại Vũng Áng lâu nay, công tác vận chuyển hàng hóa đường biển chủ yếu hoạt động tại cầu cảng 1 và 2 - do Công ty cổ phần Cảng quốc tế Lào – Việt làm chủ đầu tư - đã phát huy tối đa công suất, đóng góp lớn vào sự phát triển của doanh nghiệp cũng như quá trình phát triển KT-XH của Hà Tĩnh.
Hoàn thiện kè gầm bến. Ảnh: T.Hoa
Tuy nhiên, trước nhu cầu vận tải hàng hoá qua cảng ngày càng lớn, năm 2015, Công ty cổ phần Cảng quốc tế Lào - Việt đã đầu tư thêm bến cảng số 3, với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng gồm các hạng mục: Bến cập tàu, khu nước trước bến, kè gầm bến, bãi chứa hàng, hệ thống đường trong cảng và các hạ tầng kỹ thuật, công trình phụ trợ khác. Sau khi hoàn thành, cầu cảng số 3 có khả năng tiếp nhận cỡ tàu có trọng tải đến 45.000 DWT, công suất thiết kế đạt 1,7 triệu tấn/năm.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần Cảng quốc tế Lào - Việt cho biết, theo kế hoạch công trình sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng vào cuối năm 2019. Tuy nhiên, do gặp một số khó khăn nên thời gian vận hành khai thác bến cảng số 3 phải lùi lại. Đến nay, công trình đã cơ bản hoàn thành và dự kiến tới cuối năm 2022 sẽ đưa vào sử dụng.
Nhiều tàu/thuyền đã cập bến tại cảng số 3. Ảnh: T.Hoa
“Đơn vị thi công đã cơ bản hoàn thiện các hạng mục như: bến cập tàu, khu nước trước bến, kè gầm bến, bãi chứa hàng... Còn lại bãi thải và khai thác độ sâu của luồng thì sẽ làm theo hình thức “cuốn chiếu” làm đến đâu thì đảm bảo khai thác đến đó nếu không sẽ chậm kế hoạch đưa vào khai thác cuối năm 2022 này”, ông Tuấn cho hay.
Ngoài ra, đơn vị đang tập trung tăng tốc thi công mặt bằng bãi sau bến và khu hạ tầng kỹ thuật như hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống cấp thoát nước, trạm cân, nhà điều hành văn phòng.
Về mặt bằng phục vụ bãi thải, theo ông Tuấn, “công tác GPMB dành cho khu bãi chứa vật liệu nạo vét trên bờ có diện tích khoảng 14 héc ta vẫn chưa xong. Chúng tôi đang tích cực phối hợp với UBND thị xã Kỳ Anh sớm nhận mặt bằng sạch để làm đê bao và hệ thống bể lắng”.
Bến cảng đã hoàn thiện. Ảnh: T.Hoa
Ngay bên cạnh cầu cảng số 3 là cầu cảng số 4 - do Công ty cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn làm chủ đầu tư - cũng đang được đơn vị thi công hoàn thiện các hạng mục cuối cùng.
Bến cảng số 4 có tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, tiếp nhận tàu trọng tải đến 45.000 DWT, bao gồm các hạng mục chính: bến cập tàu dài 330m, bãi chứa hàng và khu hậu cần logistics.
Bên cạnh cảng số 3 là cảng số 4 đang tiến hành xây dựng.
Theo ông Trần Quang Thưởng, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn, công trình cầu cảng số 4 đã hoàn thành trên 90% khối lượng. Công ty quyết tâm hoàn thành, đưa vào hoạt động cuối năm 2022. Đây là lĩnh vực đầu tư mới của tập đoàn nhằm khép kín chuỗi vận tải hàng hoá bằng đường bộ và đường biển.
“Để phát huy hết công suất bến cảng số 4 cũng như các bến còn lại tại cảng Vũng Áng, nhà nước cần tập trung đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông đường bộ kết nối với cảng để hàng hoá đi, đến thuận lợi”, ông Trần Quang Thưởng đề xuất.
Cụm cảng Vũng Áng có độ sâu lý tưởng và vị trí “vàng” trên hành lang hàng hải quốc tế, được quy hoạch là cảng loại I trong hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2030. Dự báo trong thời gian tới, Khu kinh tế Vũng Áng sẽ được “lấp đầy” với nhiều dự án, nhà máy sản xuất công nghiệp lớn và lượng hàng hoá quá cảnh từ Lào, Thái Lan đến nước thứ 3 thông qua cảng Vũng Áng ngày càng lớn.
TRƯƠNG HOA
Nguồn : Nhà đầu tư
|