Từ 12h05 ngày 21-10 (tức ngày 23-9 năm Kỷ Hợi), ban tổ chức tang lễ tiến hành lễ viếng PGS.TS Lê Hải An - ủy viên ban cán sự Đảng, bí thư Đảng ủy, thứ trưởng Bộ GD-ĐT tại Nhà tang lễ quốc gia (Hà Nội). Ban tổ chức lễ tang gồm 15 người do Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ làm trưởng ban.
Lễ truy điệu cố Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Lê Hải An diễn ra lúc 14h30 phút cùng ngày, lễ hỏa táng lúc 17h5 phút cùng ngày tại Đài hóa thân hoàn vũ (Hà Nội) và an táng tại Công viên Vĩnh Hằng, Nghĩa trang Thiên Đức, Phú Thọ.
Người thầy tâm huyết, bao dung
Giữa trưa, nhiều đoàn người đổ về Nhà tang lễ quốc gia tiễn đưa người thầy, người anh, người bạn Lê Hải An về nơi an nghỉ cuối cùng.
Ông Mai Tiến Dũng thay mặt đoàn đại biểu văn phòng Chính phủ viết vào sổ tang: "Vô cùng thương tiếc PGS.TS Lê Hải An, người bạn, người thầy mẫu mực... một cán bộ đào tạo trong nước và nước ngoài, cán bộ mẫn cán mẫu mực và tài năng của chúng ta không còn nữa".
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ viết: "Đồng chí Lê Hải An là nhà giáo, nhà khoa học, nhà lãnh đạo, nhà quản lý giáo dục trí tuệ, tâm huyết, giản dị, sẵn sàng nhận và thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đồng chí Lê Hải An mất đi là tổn thất to lớn đối với Bộ GD-ĐT nói riêng và ngành giáo dục nói chung...".
Ông Nguyễn Quốc Hải - phó bí thư thường trực Đảng ủy Bộ GD-ĐT, bày tỏ niềm tưởng nhớ đến người anh - người bí thư Đảng ủy bộ trẻ, trách nhiệm, am hiểu và rất bình dân. "Chúng tôi xin hứa với anh sẽ đoàn kết, làm việc khoa học và sáng tạo để xứng đáng với anh", ông Hải viết.
Trong dòng người tiễn đưa, có rất đông sinh viên, thầy cô, cựu sinh viên Trường ĐH Mỏ - địa chất - nơi cố Thứ trưởng Lê Hải An từng làm hiệu trưởng. Ai nấy bùi ngùi, tiếc thương người bạn, người thầy nhân cách và tài năng...
Ông Nguyễn Mạnh Khải thay mặt cựu sinh viên Trường ĐH Mỏ - địa chất khóa 32 bày tỏ: "Sự ra đi, mất mát này là một tổn thất vô cùng to lớn với gia đình, bạn bè và ngành GD-ĐT. Xin trân trọng chia buồn với gia đình và mong bạn an lòng nơi vĩnh hằng. Tiễn biệt Hải An, người bạn nhân cách và tài năng".
13h, các đoàn đến viếng mỗi lúc một đông, kín cả nhà tang lễ.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Lợi - phó tổng biên tập báo Sức khỏe - nhớ về những ngày được thầy giáo - PGS.TS Lê Hải An trực tiếp hướng dẫn làm luận án. Ông tự nhận mình là "học trò" dù lớn tuổi hơn cố thứ trưởng Bộ GD-ĐT. Khi làm luận án, ông Lợi được thầy An hướng dẫn, bồi dưỡng môn toán, lập trình xử lý số liệu trong nghiên cứu khoa học.
"Thầy là thần tượng của rất nhiều thế hệ sinh viên và học sinh. Khi chuyển sang ngành giáo dục, thầy là một trong những người có tầm nhìn thời đại, đưa vào chuyển hóa cải cách giáo dục và đổi mới ngành giáo dục Việt Nam để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
Tôi gặp thầy An rất nhiều, thầy An rất thông minh, nhạy bén, bao dung với tất cả mọi người, luôn luôn tâm huyết, kể cả che chở cho 'người yếu thế' hay hợp tác với các nhà khoa học", ông Lợi xúc động chia sẻ.
Người lãnh đạo quyết đoán, có tầm nhìn nhưng rất khiêm tốn
Đúng 14h30, ông Phùng Xuân Nhạ - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, trưởng ban tổ chức lễ tang, đọc điếu văn truy điệu Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Lê Hải An.
"Gần 24 năm công tác trong ngành giáo dục, đồng chí Lê Hải An đã có 23 năm gắn bó với Trường ĐH Mỏ - địa chất, với nhiều cương vị khác nhau. Dù ở cương vị công tác nào, đồng chí luôn giữ được phẩm chất của người thầy giáo tận tụy, tâm huyết, là người truyền cảm hứng, tấm gương cho nhiều thế hệ sinh viên noi theo.
Đồng thời là một nhà quản lý, nhà lãnh đạo quyết đoán, có tầm nhìn nhưng rất khiêm tốn, giản dị, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Trường ĐH Mỏ - địa chất", ông Phùng Xuân Nhạ xúc động.
Bộ trưởng nhắc đi nhắc lại Thứ trưởng Lê Hải An là người lãnh đạo nhiệt huyết, có tư duy chiến lược, có bản lĩnh quyết đoán, dám nghĩ dám làm.
Là một cán bộ được đào tạo bài bản ở trong và ngoài nước, được tôi luyện và trưởng thành, dù làm Thứ trưởng Bộ GD-ĐT chưa đầy một năm, PGS.TS Lê Hải An đã có nhiều đóng góp cho quá trình quản lý đại học nói riêng, cho sự nghiệp đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo nước nhà.
"Chúng tôi - những người đồng chí, đồng nghiệp trực tiếp gắn bó, làm việc với PGS.TS Lê Hải An trong quãng thời gian vừa qua không thể quên được hình ảnh một cán bộ lãnh đạo trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm, gần gũi, khiêm tốn, sẵn sàng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao", ông Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.
Thay mặt gia đình, ông Lê Hải Khôi - anh trai cố Thứ trưởng Lê Hải An, gửi lời cảm ơn đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ GD-ĐT đã đến tiễn đưa người con của gia đình. Ông cũng không nén được nghẹn ngào: "Hải An ơi em ra đi khi tuổi đời còn đang trẻ, khi sự nghiệp chỉ mới bắt đầu, khi những hoài bão đang dần có cơ hội thực hiện..."
"Sẽ tiếp tục con đường tử tế mà anh theo đuổi"
Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2018 Lê Đình Hiếu (sáng lập Học viện G.A.P) chia sẻ những dòng viết xúc động về "người anh tử tế" - Thứ trưởng Lê Hải An.
"Anh và tôi có cùng giấc mơ về một nền giáo dục đại học đổi mới cho đất nước.
Tỉ lệ người học đại học Việt Nam thuộc loại thấp nhất thế giới (dưới 30%), chỉ bằng 2/3 so với các nước lân cận như Thái Lan, Malaysia (xấp xỉ 50%) và bằng một nửa các nước tiên tiến khác.
Tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp ra thất nghiệp, hoặc làm thời vụ, trái ngành, sai nghề rất cao, thống kê chỉ ra xấp xỉ 70%. Ngay cả trong số lượng các bạn được làm đúng đam mê, đào tạo, có rất ít bạn có khả năng trở thành những lãnh đạo ngành, người đổi mới tiên phong dẫn dắt tương lai dân tộc.
Ở Việt Nam chúng ta, giáo dục phổ thông được quan tâm sâu sắc vì nó là nỗi lo mỗi ngày của các bậc phụ huynh nhưng tôi tin rằng nền giáo dục đại học cũng quan trọng không kém. Vận mệnh dân tộc nằm ở các lứa sinh viên sắp tới - nền giáo dục đại học quyết định gần như tất cả tương lai.
Khi nghe tin anh mất, cả dự án của tôi chùng xuống, nghẹn lời, và chậm lại một nhịp.
Phần tôi, sẽ tiếp tục con đường tử tế mà anh theo đuổi: Cải tổ và xây dựng lại một nền giáo dục đại học xuất sắc cho đất nước.
Mỗi năm, 1 triệu bạn trẻ Việt Nam rời ghế nhà trường phổ thông. Hệ thống đại học, cao đẳng, trung cấp nghề, và các loại hình đào tạo khác mang một sứ mệnh nâng tầm bước chân 1 triệu bạn trẻ này.
Khi người tử tế ra đi, những người khác sẽ phải gắng hết sức để những di sản tử tế mà người trước để lại không thành điều lãng phí".
Trước đó như Tuổi Trẻ đưa tin, khoảng 7h10 ngày 17-10, Thứ trưởng Lê Hải An được xác định rơi từ tầng 8 nhà D trụ sở Bộ GD-ĐT xuống đất. Sau khi sự việc xảy ra, các đơn vị của Công an thành phố Hà Nội, Công an quận Hai Bà Trưng đã tổ chức khám nghiệm hiện trường. Hiện cơ quan công an chưa thông tin gì về vụ tai nạn.
Cố Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Lê Hải An phát biểu tại lễ khai mạc chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp do Bộ GD-ĐT phối hợp báo Tuổi Trẻ tổ chức - Ảnh: CHÍ TUỆ
Ông Lê Hải An sinh năm 1971 tại Hà Nội, nguyên quán tại Xuân Đan, Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Ông là kỹ sư địa vật lý tại Đại học Thăm dò địa chất Matxcơva, Cộng hòa Liên bang Nga; thạc sĩ dầu khí tại Đại học Tổng hợp Brunei; tiến sĩ dầu khí tại Đại học Heriot - Watt, Vương quốc Anh.
Ông có nhiều năm công tác tại Trường Đại học Mỏ - địa chất, sau là hiệu trưởng trường này. Tháng 11-2018, ông được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ GD-ĐT phụ trách bậc giáo dục đại học. Tháng 2-2019, ông giữ chức bí thư Đảng ủy Bộ Bộ GD-ĐT.
HÀ THANH - NAM TRẦN
Nguồn Tuổi trẻ