Người dân sống tại Khu tái định cư Thủy điện Hủa Na luôn bị đe dọa tính mạng vì sạt lở. |
Tuy nhiên, sau 10 năm vật lộn với nơi ở mới trong điều kiện thiếu thốn vật chất đủ bề, người dân nơi đây đã vô cùng ngán ngẩm với các chính sách hỗ trợ từ chính quyền lẫn nhà đầu tư.
Ông Lang Văn Thái, Trưởng bản Piềng Văn, xã Đồng Văn, huyện Quế Phong, thay mặt cho hơn 30 hộ dân tại Huôi Chà Là viết đơn kiến nghị gửi lên Chủ tịch UBND huyện Quế Phong và Hội đồng Bồi thường tái định cư thủy điện Hủa Na để kêu cứu.
Theo đó, từ năm 2012 đến nay kể từ khi nhân dân Piềng Văn di dời khỏi lòng hồ Thủy điện Hủa Na đến nơi ở mới để xây dựng Nhà máy thủy điện, nhiều hạng mục chưa được đền bù.
Cụ thể, đất 163 của 12 hộ, một số diện tích đã ngập nước, đất trồng lúa nước của các hộ dân bị ngập chưa được đền bù. Có 8 hộ không đăng ký nhận ruộng của dự án chưa được nhận tiền hỗ trợ. Đất nông nghiệp trồng cây hàng năm chưa được đối trừ nơi đi nơi đến. Ngoài ra, các hộ dân cũng kiến nghị lắp đặt hệ thống ống dẫn nước vào nhà vệ sinh của nhà văn hóa cộng đồng và trường học; xây dựng miếu làng và sân bóng; sửa chữa đập chứa nước sinh hoạt do bị xói lở…
Liên quan đến những bất cập tại các khu tái định cư dự án nhà máy thủy điện Hủa Na, theo báo cáo của UBND huyện Quế Phong, đến nay hệ thống cấp nước sinh hoạt cho 13 điểm TĐC đã được chủ đầu tư thi công, nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng từ năm 2013.
Thế nhưng, sau 6 năm vận hành, với điều kiện nguồn nước tự chảy, địa hình đồi núi phức tạp qua nhiều sông suối, không có quản lý bảo trì thường xuyên nên đã xảy ra hư hỏng, mất nước ở một số hệ thống cấp nước.
Trong thời gian qua, một số hệ thống cấp nước đã được chủ đầu tư hỗ trợ kinh phí sửa chữa nhưng đến nay vẫn còn một số hệ thống cấp nước sinh hoạt đang còn tình trạng hư hỏng. Lý do chủ đầu tư đưa ra là không có cơ sở pháp lý dùng nguồn vốn đầu tư của dự án để thực hiện việc hỗ trợ sửa chữa, khắc phục các hạng mục công trình cấp nước khi chưa có ý kiến chấp thuận của các cấp có thẩm quyền.
Bên cạnh đó, việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho nhân dân đến thời điểm này vẫn chưa thể thực hiện được do quy định về việc giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp.
Mặc dù trên thực tế, đã hoàn thành công tác giao đất sản xuất nông nghiệp ngoài thực địa cho 877 hộ với diện tích 374,35ha tại 13 điểm tái định cư, nhưng chưa hoàn thành hồ sơ giao đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Trước thực trạng này, UBND tỉnh Nghệ An và chính quyền địa phương huyện Quế Phong đã chỉ đạo rà soát và không cho tiếp tục triển khai, đồng thời đề nghị thu hồi lại là 251,89ha đất đã giao cho dân, trong đó 67,39ha đất trong quy hoạch và đã chuyên đổi sang đất sản xuất nông nghiệp; 184,5ha đã giao đất ngoài thực địa nhưng không thuộc phần diện tích đã được chuyển đổi theo quy hoạch. Ngoài ra, còn 74 hộ chưa được giao đất lúa nước, lý do các hộ không nhận ruộng đã được khai hoang, một số hộ có nguyện vọng nhận tiền.
Trước những bất cập nói trên, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo Chủ đầu tư có văn bản báo cáo Bộ Công thương, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để xin ý kiến xử lý. Đồng thời, phối hợp UBND huyện Quế Phong đã tổ chức làm việc và giao Ban quản lý dự án để có phương án hỗ trợ tiền cho các hộ dân tự khắc phục vấn đề thiếu nước sinh hoạt. Đối với việc giao đất, đến nay, UBND huyện Quế Phong đã vận động được 137 hộ dân đồng thuận việc bốc thăm lô đất và đơn vị tư vấn đang triển khai giao đất ngoài thực địa cho từng hộ dân.
Tuy nhiên, việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho nhân dân hiện chưa thể thực hiện được do quy định về việc giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp. Chi cục Kiểm lâm Nghệ An cũng đã giao cho Hạt Kiểm lâm Quế Phong để thực hiện giao rừng cho 750 hộ đã được giao đất lâm nghiệp.
Để khắc phục những bất cập về giao thông tại các khu tái định cư, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo nhà thầu thi công các tuyến đường Xốp Cọ - Nậm Niên và Huôi Siu - Huôi Lạn, hoàn thành nghiệm thu đưa vào sử dụng trong tháng 6/2019 để làm cơ sở cho các hộ dân tái điểm tái định cư còn lại nhận đất lúa nước.
PHAN SÁNG - THÀNH THẢO
Nguồn : Nông nghiệp Việt nam