“Kí nhận… cho sếp đối ngoại”
Đầu tiên là những tờ phiếu “chi tiền thanh toán bảo vệ rừng” các năm 2014, 2015, 2016, 2017, 2018 của BQLRPH Anh Sơn cho đại diện các trạm bảo vệ rừng (BVR).
|
Vườn ươm của BQLRPH Anh Sơn bỏ hoang từ năm 2017 - Ảnh: P.V
|
Chứng từ giả kì lạ ở chỗ, có cả chữ kí của trưởng ban, kế toán, thủ quỹ và người nhận tiền nhưng thực tế “người kí nhưng không nhận một đồng nào”. Số tiền “kí mà không nhận tiền” nêu trên là hơn 2 tỉ đồng.
Cụ thể: Năm 2014, 3 cán bộ của 3 trạm BVR, gồm Nguyễn Văn Hùng nhận 184.400.000 đồng. Chu Trọng Lưu, 238.740.000 đồng. Nguyễn Đình Khôi, 341.060.000 đồng (tổng 803.200.000 đồng).
Năm 2015, 4 cán bộ của 4 trạm BVR, gồm Nguyễn Đình Khôi nhận 64.200.000 đồng. Nguyễn Sinh Cùng, 89.394.000 đồng. Chu Trọng Lưu, 89.940.000 đồng. Nguyễn Văn Hùng, 69.800.000 đồng (tổng 313.334.000 đồng).
Năm 2016, 3 cán bộ của 3 trạm BVR, gồm Nguyễn Văn Hùng nhận 302.220.000 đồng. Chu Trọng Lưu, 383.100.000 đồng. Phạm Thọ Nam, 169.620.000 đồng (tổng 854.940.000 đồng).
Năm 2017, 4 cán bộ của 4 trạm BVR, gồm Phạm Thọ Nam nhận 117.740.837 đồng. Nguyễn Đình Khôi, 172.343.553 đồng. Nguyễn Văn Hùng, 187.508.938 đồng. Chu Trọng Lưu, 252.406.672 đồng (tổng 730.000.000 đồng).
Năm 2018, 4 cán bộ của 4 trạm BVR, gồm Phạm Thọ Nam nhận 49.364.000 đồng. Chu Trọng Lưu, 45.509.000 đồng. Đặng Duy Giáp, 63.767.000 đồng. Nguyễn Văn Hùng, 162.910.000 đồng (tổng 321.550.000 đồng). Tổng cộng số tiền đã kí nhận trong 5 năm này là 2.366.024.000 đồng.
Theo điều tra của chúng tôi, 5 năm 2014-2015-2016-2017-2018 số cán bộ nêu trên kí nhận tại các phiếu chi có chữ kí của Trưởng ban Nguyễn Tất Hoà; kế toán trưởng Nguyễn Đình Nhu, sau đó là Nguyễn Thị Biên; thủ quỹ Nguyễn Thị Mận, sau đó là Phan Thị Bình nhưng họ không được nhận một đồng nào.
Thế nhưng, ngày 4/5 trước khi trao đổi “chuyện lạ” này với các nhân chứng, chúng tôi hỏi thủ quỹ là bà Phan Thị Bình, rằng “những người kí nhận có nhận tiền hay không”. Bà Bình khẳng định: “Đã kí nhận là tôi chi hết”.
Ngay sau đó, tại cuộc trao đổi với tập thể cán bộ, nhân viên tại Ban QLRPH Anh Sơn, khi chúng tôi nêu lại câu hỏi để kiểm tra chứng cứ “những người kí nhận vào phiếu chi tiền có nhận tiền hay không”, ông Chu Trọng Lưu, Phó trạm BVR Trung tâm nói thẳng thắn: “Tôi kí từ năm 2014 đến 2017 nhưng không nhận một đồng nào. Riêng năm 2018, tôi kí hai lần rồi nhận đủ tiền lương nhưng sau đó bị thu lại 40% nhưng không hiểu vì sao bị thu và không có phiếu thu”. Chúng tôi hỏi thêm một nhân chứng khác là ông Đặng Duy Giáp (trạm Trung tâm) thì ông Giáp cũng thừa nhận “kí nhưng không nhận tiền”.
|
Hình ảnh phóng viên trao đổi với tập thể cán bộ, nhân viên BQLRPH Anh Sơn, ngày 4/5
|
Trao đổi về việc “kí phiếu chi nhưng không nhận tiền”, ông Lưu còn cho biết thêm: “Năm 2017, cô Bình thủ quỹ mời tôi đến kí phiếu chi hơn 252 triệu đồng. Kí xong tôi hỏi, người kí có được đồng nào không. Cô Bình bảo, em đây cũng không được đồng mô. Kí đây là để cho sếp đi đối ngoại”.
Nâng khống tiền giống, chi khống tiền phân bón vườn ươm
Trong một phiếu chi “nhận tiền cây giống trồng rừng phòng hộ” ngày 22/9/2015 cho công nhân vườn ươm là Đặng Thị Thanh có chữ kí của ông Nguyễn Tất Hoà (Trưởng ban), Nguyễn Đình Nhu (kế toán), Nguyễn Thị Mận (thủ quỹ). Người nhận tiền là Đặng Thị Thanh. Phiếu này chi 89.692.850 đồng cho 3 khoản: 1/ Tiền bán keo tai tượng giống Úc: 20 vạn cây (quy tròn). Giá bán 1.100 đồng/cây. Số tiền 22.094.600 đồng. 2/ Cây mét giống: 4.400 cây. Giá 12.000 đồng/cây. Số tiền 53.040.000 đồng. 3/ Vận chuyển và phân bón 22,1 ha là 391.300 đồng/cây. Số tiền 8.647.730 đồng. Tổng chi 89.692.850 đồng.
Theo tư liệu chúng tôi có được, năm 2015 Ban QLRPH Anh Sơn chỉ mua 20 vạn cây keo tai tượng giống Úc với giá 650 đồng/cây nhưng khi thanh toán thì tính tăng lên 1.100 đồng/cây. Cũng năm này, vườn ươm của Ban QLRPH Anh Sơn không ươm mét giống nhưng trong phiếu chi này thể hiện 4.420 cây mét giống với số tiền 53.040.000 đồng. Vườn ươm này là tự sản xuất, tự tiêu thụ nên nhân công lo toàn bộ tiền giống, phân bón nhưng trong phiếu chi này có thêm đề nghị thanh toán tiền phân bón và tiền vận chuyển là 8.547.730 đồng.
Thử làm một phép tính đơn giản sẽ cho thấy Ban QLRPH Anh Sơn “ăn gian” gần 70 triệu đồng/năm tại vườn ươm: Cụ thể: tiền keo thực mua 650 đồng/cây tăng lên 1.100 đồng/cây của 20 vạn cây là 9 triệu đồng. Cộng với 53 triệu đồng cây mét chi khống và tiền phân bón, vận chuyển. Tổng chi sai 67 triệu đồng/năm. Một nhân công vườn ươm tiết lộ: “Từ năm 2012-2016, năm nào vườn ươm cũng bán 20-30 vạn cây giống cho BQLRPH. Các chứng từ đều chi tăng lên kiểu này. Chưa kể BQLRPH còn mua số lượng giống cây rất lớn (hàng chục vạn cây) từ những vườn ươm ở các huyện khác”. Nếu thực tế như vậy thì trong 4 năm (2012-2016), số tiền này chiếm khoảng 300 triệu đồng.
Báo chí phản ánh mới trả tiền BVR cho dân
Tháng 1/2019, ông Nguyễn Tất Hoà chuyển công tác, làm Trưởng BQLRPH Tương Dương nhưng khi rời BQLRPH Anh Sơn, ông Hoà không trả tiền BVR phòng hộ cho hơn 100 người dân 5 xã Tào Sơn, Lạng Sơn, Đức Sơn, Vĩnh Sơn và Thọ Sơn. Người dân 5 xã này được BQLRPH Anh Sơn giao khoán bảo vệ 450 ha, tổng số tiền công 165 triệu đồng.
Tuy nhiên, sau khi phóng viên VTC và báo Lao động Nghệ An về điều tra, phản ánh một số tiêu cực ban đầu về những vụ việc gian lận tiền BVR tại đây thì từ Tương Dương, ông Hoà chuyển số tiền “nợ” nêu trên về BQLRPH Anh Sơn nhờ cán bộ Ban này đến từng xã trả lại tiền cho dân vào các ngày 2, 3, 6/4. Anh Trần Văn Chương, cán bộ Phòng hành chính, tổ chức thừa nhận “số tiền trả nợ cho dân là của anh Hoà gửi về chứ không phải rút từ quỹ của cơ quan” (khi ông Hoà chuyển cơ quan, bàn giao cho trưởng ban mới thì quỹ của cơ quan chỉ còn 2,9 triệu đồng).
Nguyên trưởng BQLRPH Anh Sơn nói gì?
Ngày 17/6, chúng tôi trao đổi những vụ việc tiêu cực nêu trên với ông Nguyễn Tất Hoà, Trưởng BQLRPH Tương Dương.
Về nội dung thứ nhất, phản ánh cán bộ BVR kí phiếu chi nhưng không nhận tiền, ông Hoà lộ vẻ cáu kỉnh: “Nói không nhận tiền là bịa đặt, vu khống. Tôi sẵn sàng đối chất với ai nói chuyện này”. Rồi ông Hoà khẳng định giống hệt bà Bình: “Đã kí nhận là chi hết tiền”.
Nội dung thứ hai về tiền chi tại vườn ươm, ông Hoà nói khác hẳn nguồn tin (yêu cầu giấu tên) trên đây. Ông Hoà khẳng định năm 2015 vườn ươm không có mét. Còn giá mua cây giống Úc do Sở NN&PTNT quy định 1.100 đồng/cây. Hạt giống và phân bón là do BQLRPH lo. Khi chúng tôi phản ánh, BQLRPH Anh Sơn chỉ trả tiền mua giống với giá 650 đồng/cây, thấp hơn giá của Sở NN&PTNT quy định là 1.100 đồng/cây và đưa phiếu chi tiền năm 2015 có tính tiền mua mét và tiền phân bón thì ông Hoà phủ nhận và nói “sẽ kiểm tra lại”.
Nội dung thứ ba, ông Hoà cho rằng “đã trả hết tiền BVR cho dân trước khi chuyển lên Tương Dương”. Chúng tôi đưa bản “tổng hợp diện tích, vốn đầu tư giao khoán BVR phòng hộ năm 2018” do BQLRPH Anh Sơn cung cấp về việc chi trả hộ ông Hoà 165 triệu đồng BVR mới đây người dân 5 xã nêu trên, ông Hoà giải thích: “Đúng là còn một số tiền BVR chưa trả cho dân nhưng trước khi chuyển lên Tương Dương tôi đã bàn giao số tiền này trên quỹ để trưởng ban mới chi trả”. Chúng tôi nhắc lại ý kiến của cán bộ BQLRPH Anh Sơn nói rằng “số tiền 165 triệu đồng này là của anh Hoà”. Ông Hoà hỏi “người nói đó là ai” rồi nói: “Cứ về hỏi trưởng ban mới bàn giao thì rõ”.
“Chúng tôi muốn tự thú”
Trong lá đơn “Đề nghị mở rộng điều tra” những tiêu cực tại BQLRPH Anh Sơn, những người viết đơn không kí tên, thay vào đó họ ghi một dòng tên chung “những người kí khống, không được nhận tiền”.
Những người này cho rằng, “từ năm 2014-2017, lãnh đạo BQLRPH Anh Sơn bắt buộc lực lượng 2B chúng tôi kí khống mỗi năm gần 1 tỉ đồng “nguồn không tự chủ” để hợp thức hoá hồ sơ. Mỗi người kí gần 100 triệu đồng nhưng chỉ được nhận vài triệu đồng. Người nào nhiều thì được 5 triệu đồng. Số tiền còn lại không biết đi đâu”. Do lo sợ việc kí khống sớm muộn cũng sẽ phát hiện nên những người viết đơn này rất muốn các cơ quan chức năng vào cuộc để họ tự thú.
Nhóm phóng viên
Nguồn Lao động Nghệ an