Gần 200 hộ dân ở các đội sản xuất số 1, 2, 4 của Xí nghiệp Chế biến và Dịch vụ chè Ngọc Lâm (xã Thanh Thủy) cho rằng giá điện tiêu dùng của họ quá cao so với mức quy định. Họ được dùng điện từ năm 2001, nhưng kể từ đó đến nay, phải chịu giá điện sinh hoạt cao tương đương giá điện kinh doanh. Ngoài ra, đồng hồ điện không được kiểm định và treo tít trên cao, hóa đơn điện hàng tháng khi thu tiền cũng không có. Mong muốn chung của các hộ là được hưởng giá điện đúng theo giá quy định của điện lực như những xóm khác trong xã Thanh Thủy.
Người dân cho rằng, đồng hồ điện không được kiểm định và treo tít trên cao - Ảnh: Cao Sơn |
Có mặt tại khu vực đội sản xuất số 2, Xí nghiệp Chế biến và Dịch vụ chè Ngọc Lâm chúng tôi thấy hệ thống hạ tầng điện ở đây đã xuống cấp. Đa số cột điện hạ thế chữ H cũ kỹ, “gầy teo”, không đồng bộ về kích cỡ “ẩn nấp” dưới tán một số cây to; hệ thống dây, sứ đã cũ mòn, hầu hết là dây trần cáp nhôm nhuốm màu ô xi hóa tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn mỗi khi trời mưa gió. Trên nhiều thân cột, công tơ điện được treo nhiều chủng loại, người dân còn tận dụng thùng tôn, can nhựa để làm hộp bảo vệ bên ngoài công tơ.
Chị Võ Thị An (ở đội 2) dùng điện từ lưới điện của xí nghiệp nhiều năm nay chia sẻ với chúng tôi, nhà chị phải lắp 2 đồng hồ đo điện khác nhau vì có một quầy tạp hóa với 1 tủ lạnh, 2 bóng điện. Trong nhà ngoài các đồ gia dụng thông thường, gia đình không dùng điều hòa nhưng mỗi tháng mùa đông trung bình phải mất 600 ngàn đồng tiền điện, thậm chí có tháng gần 1 triệu đồng. “Ban đêm chỉ dám thắp 2 bóng điện, một cho con học và bóng ngoài thềm để chống kẻ trộm” - chị An nói.
Còn bà Nguyễn Thị Thủy (ở đội 2) kể, bà có con gái là Lê Thị Mơ mở một cửa hàng nhỏ bán vật liệu xây dựng cạnh đường Hồ Chí Minh, trong 2 tháng nay, tiền điện con chị phải trả lên tới 1,7 triệu đồng.
Một người dân còn cho biết thêm: “Giá điện cao trung bình 1kW là 3.000 đồng, nhiều gia đình dùng điện nấu cơm cũng phải chịu giá điện kinh doanh. Đến tháng họ đọc bao nhiêu số trả bấy nhiêu tiền không có hóa đơn, chứng từ gì cả”.
Ông Đinh Văn Sơn, Phó Giám đốc Xí nghiệp Chế biến và Dịch vụ chè Ngọc Lâm cho chúng tôi biết, về thủ tục, xí nghiệp đã chuyển giao lưới điện hạ áp cho Điện lực Thanh Chương từ năm ngoái, đến nay vẫn chưa thấy điện lực bán điện cho dân nên xí nghiệp vẫn đang phải quản lý. Ngoài giá điện nhà nước quy định, doanh nghiệp phải tính phần khấu hao điện năng tăng lên để thu thêm của người dân. “Đối với hộ dùng điện ba pha chúng tôi thỏa thuận với người dùng từ giá 3.000 đồng đến 3.500 đồng/kW. Họ dùng theo nhu cầu, doanh nghiệp không ép. Còn những hộ bán hàng tạp hóa không sử dụng điện ba pha giá cao thì xí nghiệp cũng thông báo giá cụ thể cho họ để biết. Đáng lẽ, xí nghiệp bàn giao lâu rồi nhưng liên quan đến đánh giá tài sản của doanh nghiệp nên chậm” - ông Sơn nói.
Khi phóng viên đề nghị được xem thông báo giá điện thu hàng tháng của hộ dân, lãnh đạo xí nghiệp không tìm được một văn bản nào liên quan, còn văn bản bàn giao lưới điện, lãnh đạo xí nghiệp nói đã đưa hết cho bên điện lực.
Qua tìm hiểu chúng tôi còn được biết, năm 2001, Xí nghiệp Chế biến và Dịch vụ chè Ngọc Lâm đầu tư xây lắp 3,7km đường dây trung thế, gần 5km đường dây hạ thế. Hệ thống đường dây nhánh chính này chỉ phục vụ cho sản xuất, chế biến chè và đưa điện sinh hoạt về đến công tơ tổng ở các khu dân cư. Còn các phân nhánh từ công tơ tổng đến các liên gia đình thì dân phải chịu tiền đầu tư vì doanh nghiệp này không thể xây dựng đến tận hộ gia đình. Tại các phân nhánh, xí nghiệp giao cho tổ trưởng tổ liên gia chịu trách nhiệm thu tiền và tính toán số lượng hao hụt tại các công tơ tổng, sau đó chia bình quân cho các hộ sử dụng để tính vào giá điện hàng tháng. Do đó, ngoài lượng điện tiêu dùng phải trả thì các hộ còn phải gánh thêm lượng hao hụt, thất thoát điện năng từ hệ thống đường dây. Đắt nhưng không xắt ra miếng vì hàng chục năm nay, hệ thống điện ở đây không được tái đầu tư cải tạo, nâng cấp.
Ông Ngũ Văn Chương, Giám đốc Điện lực Thanh Chương nói với chúng tôi, lẽ ra đã bàn giao sớm hơn nhưng đây là tài sản của Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển chè Nghệ An nên thủ tục bàn giao chậm. Sau đó, công ty này thực hiện chủ trương cổ phần hóa nên mới đánh giá tài sản và thống nhất cho điện lực tiếp quản hệ thống điện ở đây. Điện lực Thanh Chương cũng có kế hoạch chậm nhất là ngày 20/5/2019 sẽ chốt công tơ để bán cho người dân. Hạ tầng hệ thống điện thuộc khu vực Xí nghiệp Chế biến và Dịch vụ chè Ngọc Lâm đã xuống cấp nhưng do hạn chế về tài chính nên điện lực phải chấp nhận bán điện cho dân trước, sau đó sẽ đầu tư bằng việc cải tạo từng phần nhỏ.