Ai từng một lần về mảnh đất Lý Thành (Yên Thành) ghé thăm và chiêm ngưỡng cây đa bên đình làng Trụ Thạch đều không khỏi ngỡ ngàng bởi vẻ đẹp uy linh, hùng vĩ của nó. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, hàng trăm năm qua, cây đa vẫn vươn mình xanh tốt như chở che, bảo vệ xóm làng. Những người con ở mảnh đất này dẫu bươn chải nơi chân trời góc bể vẫn luôn nhớ về cây đa như nhớ về một mảnh hồn quê...
Cây đa gìn giữ hồn quê
Cây đa làng Trụ Thạch đứng uy nghi, trầm mặc bên cánh đồng Cửa Đình, ôm lấy chân đình làng Trụ Thạch. Không ai biết chính xác cây đa có từ bao giờ. Những người lớn tuổi nhất ở làng đều nói rằng, từ khi sinh ra đã thấy gốc cây cổ thụ đứng bên chân đình làng tỏa bóng mát. Làng Trụ Thạch nằm gần dòng sông Nông Giang, tên làng Trụ Thạch có từ thời Lê Chân Tông 1643, trải qua nhiều lần thay đổi, nhưng từ thời Vua Tự Đức 1853 tên làng lại trở về là Trụ Thạch cho đến tận bây giờ. Ngôi làng cổ có truyền thống hiếu học với nhiều người đỗ đạt nên người dân ở đây thường truyền tụng câu ca rằng: “Trụ Thạch là đất văn nho/ Trước đồng Cánh Phượng, sau quanh co rú Đồng”. Ngoài các dòng họ nổi tiếng thì làng còn có quần thể đình, chùa và đền như đình Trụ Thạch, nhà Thánh thờ Khổng Tử, đền Nhà Ông, cửa Tam Quan… tất cả đều quây quần dưới bóng cây đa hàng trăm năm tuổi.
Ông Lăng Trọng Ngợi, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Lý Thành là người con sinh ra và lớn lên ở làng Trụ Thạch. Khi trò chuyện với ông về cây đa cổ thụ, trong ông như sống lại những hồi ức xa xưa, bởi tuổi thơ ông gắn bó sâu đậm với gốc đa làng. Khi vẫn còn là đứa trẻ đầu trần chân đất, ông cùng chúng bạn hàng ngày chăn trâu trước cánh đồng làng, gốc cây đa trở thành nơi hò hẹn của lũ trẻ chăn trâu như ông. Khi đàn trâu ùa ra đồng cũng là lúc cả đám thi nhau trèo lên những nhánh cây đa rồi lại trượt xuống xem ai nhanh nhất. Vào mùa hè lũ trẻ ngày ấy thường thấy chim chi liêng về đây làm tổ, rồi chim tu hú về đẻ trứng vào tổ của chi liêng. Những tổ chim luôn gợi sự tò mò cho lũ trẻ. Cả đám hồi hộp chờ đợi đến ngày chi liêng ấp ra những chú chim non rồi mang về nhà nuôi.
Cây đa hiện thân của voi trận
Ngày nay nhiều người dân trong làng còn lưu truyền câu chuyện ly kỳ, có thể xem như là sự tích cây đa làng. Chuyện rằng có một vị tướng cưỡi voi đi đánh giặc bị thương trên đường về dừng chân tại vị trí này. Sau khi con voi chết, tại đây một cây đa mọc lên xanh tốt và tồn tại cho đến tận bây giờ. Nhiều người đến chiêm ngưỡng đều nhận xét, cây đa có hình dáng giống như một con voi có đầu hướng về đình, đuôi quay ra cánh đồng làng. Hàng trăm năm nay, nhân dân làng Trụ Thạch vẫn tin vào câu chuyện và sự linh thiêng của gốc đa cổ thụ.
Người nông dân trong làng Trụ Thạch mỗi trưa hè oi ả, hay những lúc đi làm đồng chọn bóng mát cây đa mà tìm ngồi, trò chuyện, nghỉ ngơi. Vào những ngày Tết, lễ hội dưới gốc cây đa, tạm xa ruộng đồng, nhân dân lại tụ tập nhau chơi đánh đu, cờ người… Ngày nay, những trò chơi ấy đã không còn được tổ chức ở địa phương nhưng trong ký ức của nhiều người cao tuổi họ chưa bao giờ nguôi ngoai về tuổi thơ của mình dưới tán đa làng.
Trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng xã Vân Tụ, nhân dân làng Trụ Thạch và các vùng lân cận tập trung biểu tình ở đình làng, tại đây, cờ đỏ búa liềm đã được các chiến sỹ Xô viết và nhân dân cắm trên ngọn cây đa. Đến năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh huyện Yên Thành, nhân dân làng Trụ Thạch tập hợp dưới sân đình nghe quân lệnh số 1, lá cờ đỏ sao vàng được treo lên cây đa làng, nhân dân Trụ Thạch tỏa đi các ngả để bắt việt gian, lật đổ chế độ thực dân phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, dưới tán cây đa, lớp lớp thanh niên làng hăng hái lên đường nhập ngũ bảo vệ quê hương, Tổ quốc. Ông Lăng Hồng Quang, một người con sinh ra lớn lên ở làng Trụ Thạch đã nghẹn giọng khi tôi hỏi ông về những ký ức với cây đa làng. Đó là những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt, dưới tán cây đa ấy, ông và một người bạn chia tay nhau lên đường nhập ngũ. Dưới ánh trăng mờ ảo của đêm quê, dưới gốc đa già, hai người bạn quyết tâm thư lên đường đánh giặc rồi cùng hẹn ngày trở về. Vậy nhưng người bạn của ông đã nằm lại ở chiến trường mãi mãi. “Mỗi lần về thăm quê, tôi đều dành thời gian đứng bên gốc đa và nhớ những hồi ức ấy. Lòng tôi như được an ủi rằng, bạn nằm xuống để giữ cây đa làng mình mãi được xanh tốt”.
Rồi cũng trong tình yêu khôn xiết ấy, ông đã viết nên những vần thơ cháy bỏng:
“Tôi lớn lên đã thấy cây đa già
Ngỡ cây đa sinh ra làng Trụ Thạch
Cây đa làng tôi cây đa cổ tích
Chở che năm tháng đời người…”.
Quê hương Trụ Thạch hôm nay đang từng ngày đổi mới, mỗi người con làng Trụ Thạch dẫu đi chân trời góc bể, dẫu trải qua bao giông bão cuộc đời, mỗi khi về đến đầu làng, nhìn thấy cây đa là tìm thấy sự bình yên, thanh thản trong tâm hồn.
Lan Thái
Nguồn Báo Nghệ an |