Đây là số tiền đền bù tài sản trên đất rừng sản xuất do Công ty Đông Bắc (Tập đoàn TH) thuê để thực hiện dự án “Trồng cây thức ăn phục vụ chăn nuôi bò sữa của Công ty CP thực phẩm sữa TH” trong thời gian 50 năm. Diện tích rừng được đền bù do 3 cán bộ đứng tên 27 thửa thuộc tiểu khu 873 và 875 trên địa bàn hai xã Tiến Thành, Lăng Thành, huyện Yên Thành.
Thủ thuật “rút ruột”
Nguồn tin bạn đọc cho biết 3 cán bộ làm hồ sơ giả để “rút ruột” gần 5 tỉ đồng của nhà nước, gồm: ông Hồ Đình Lai (Trạm trưởng Trạm QLRPH số 4), bà Phan Thị Vịnh (kế toán viên) và bà Nguyễn Thị Trâm (thủ quỹ) Ban QLRPH Yên Thành.
Hồ sơ giả gồm các loại biên bản: Kiểm đếm hiện trạng tài sản trên đất; đơn xin trả đất; xác nhận nguồn gốc, thời gian sử dụng đất; diện tích, loại đất, chủ sử dụng đất theo hiện trạng; bản tự khai đất đai và tài sản; xác định giá trị bồi thường, hỗ trợ tái định cư với nhiều chữ kí, dấu đỏ của các cơ quan chức năng. Tại đây, ông Lai kí nhận 2.996.557.000 đồng từ 38 ha rừng mét. Bà Vịnh kí nhận 1.171.475.000 đồng từ 7,7 ha rừng keo. Bà Trâm kí nhận 1.646.680.000 đồng từ hơn 8 ha rừng keo. Tổng số gần 6 tỷ đồng.
Nhưng hiện tại bà Vịnh cho biết chỉ thực nhận 582 triệu đồng. Lí do, “tôi kí năm 2014 nhưng năm 2016 mới nhận tiền. Trong khoảng thời gian từ 2014 đến 2016 tôi đã khai thác một số cây nên trước khi trả tiền, bên bồi thường kiểm đếm lại và trừ đi”. Bà Trâm cũng nêu lí do tương tự và cho biết chỉ thực nhận hơn 1,2 tỉ đồng. Chúng tôi hỏi số tiền đã khai thác sau khi kí nhận là bao nhiêu. Bà Vịnh và bà Trâm đều “không nhớ”. Vậy, riêng số tiền 3 người này đã nhận là gần 5 tỷ đồng.
|
Ba cán bộ đứng tên 3 bộ hồ sơ giả, từ phải qua trái: Phan Thị Vịnh, Hồ Đình Lai, Nguyễn Thị Trâm
|
Chúng tôi tìm hợp đồng giao khoán (hợp đồng kinh tế) giữa Ban QLRPH Yên Thành với 3 người này thì cả 3 đều uể oải, nói: “Khi nhận xong tiền bồi thường thấy không liên quan gì nữa nên là trả hợp đồng cho họ”. Ông Nguyễn Ngọc Ánh, Trưởng ban QLRPH Yên Thành cũng đồng tình như vậy. Chúng tôi nêu câu hỏi: “Hợp đồng giao khoán không liên quan đến đối tác đền bù vì sao lại trả cho đối tác. Cụ thể, nếu trả là trả cho người nào”. Cả 3 người cùng ông Ánh đều im lặng.
Chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng phòng Kế hoạch - Kỹ thuật của Ban này để hỏi về 3 hợp đồng lưu trữ tại Ban QLRPH. Ông Thanh loay hoay lục tìm một lúc rồi thất vọng: “Không thấy hợp đồng của 3 người này. Có lẽ, anh em đưa đi làm, không biết có làm thất thoát hay không”.
Ban QLRPH Anh Sơn “rút ruột” hàng trăm triệu đồng
Tại Ban QLRPH Anh Sơn, một cán bộ (giấu tên) bức xúc phản ảnh: “6 tháng đầu năm 2018, ông Nguyễn Tất Hoà, Trưởng ban QLRPH Anh Sơn (năm 2019 ông Hoà chuyển làm Trưởng ban QLRPH Tương Dương) có một yêu cầu kì quặc bằng văn bản là cán bộ, nhân viên cam kết giảm 50% lương để dùng 50% còn lại chi cho các nhân viên hợp đồng ngắn hạn. Đa số anh em phản ứng gay gắt vì lương của chúng tôi chỉ có 5 triệu đồng/tháng (đã trừ bảo hiểm), lấy gì ăn để bảo vệ rừng. Ông Hoà còn dựng một số hồ sơ khống để nhận 9 khoản tiền với hơn 639 triệu đồng”. Theo cán bộ này, năm 2018, Ban QLRPH Anh Sơn nhận kinh phí 9 hạng mục nhưng đã giảm bớt phần thực hiện hoặc có hạng mục không thực hiện để “rút ruột” số tiền này. Cụ thể, các hạng mục giảm công việc như: PCCCR, tuần tra bảo vệ rừng, tiền trả cho người dân bảo vệ rừng. Các hạng mục không thực hiện như: Làm đường băng cản lửa; truy quét bảo vệ rừng; tập huấn; xử lý vật liệu cháy dưới tán rừng.
Trong lúc đó, ông Hoà chỉ thừa nhận có một số hạng mục không thực hiện nên đã “tiết kiệm” được 309 triệu đồng. “Số tiền này chúng tôi hỗ trợ vào phần lương cho anh em và sử dụng một số chi phí khác ngoài lương”, ông Hoà thanh minh.
Biến rừng nhà nước thành tài sản cá nhân
Rời Ban QLRPH Yên Thành lần ba, chúng tôi làm việc tại UBND huyện Yên Thành và Sở TN&MT để truy tìm gốc gác 3 bộ hồ sơ giả này.
Tại Sở TN&MT, chúng tôi đi tìm chủ hộ của 27 thửa đất đã được bồi thường (67, 79, 78, 82, 97, 84, 139, 110, 119, 115, 121, 122, 127, 123, 150, 163, 146, 180, 107, 188, 512, 520, 516, 515, 529, 530, 561). Ông Vũ Văn Sơn, Giám đốc Văn phòng Đăng kí quyền sử dụng đất và ông Bùi Văn Long (cán bộ văn phòng) đưa ra bản đồ trích đo, trích đếm của cơ quan này. Ông Sơn cho biết: “Tại trích lục đang lưu giữ chỉ có các số thửa được quy chủ cho Ban QLRPH Yên Thành, không có tên chủ hộ 27 số thửa nêu trên. Trích lục tại sở không lưu tên các chủ hộ này”.
|
Ông Nguyễn Ngọc Ánh (bìa trái); ông Phan Tiến Sỹ (giữa, bên phải) trong buổi làm việc tại Sở NN&PTNT
|
Chúng tôi đưa “Phiếu giao nhận diện tích, loại đất, chủ sử dụng đất theo hiện trạng sử dụng”, năm 2013 có chữ kí của ông Bùi Văn Long thì ông Sơn mới yêu cầu ông Long lục tìm “Biểu tổng hợp diện tích, loại đất chủ sử dụng theo hiện trạng” phục vụ dự án nêu trên. Ông Long đưa ra biểu tổng hợp được đóng thành hai tập. Trong hai tập có 27 số thửa đã nêu nhưng không có tên chủ sử dụng giao khoán là ông Lai, bà Vịnh, bà Trâm thay vì chủ sử dụng giao khoán của 27 số thửa đó là Ban QLRPH Yên Thành. Xác nhận diện tích 27 số thửa do ông Ánh (khi đó là Phó ban) kí.
Tìm hiểu về chữ kí ông Long trong 3 bộ hồ sơ được xem là “đánh tráo” 27 thửa rừng của nhà nước, biến thành tài sản riêng nhưng ông Long khẳng định: “Tôi không kí”. Ông Long giải thích, 3 chữ kí tại 3 hồ sơ giống nhau i sì. Đây là họ photo chữ kí của tôi rồi dán lên cho đầy đủ thủ tục.
Theo biểu tổng hợp này thì khi bồi thường, đáng lẽ Ban QLRPH Yên Thành sẽ nhận số tiền gần 6 tỉ đồng nêu trên, nộp ngân sách nhà nước thay vì 3 cán bộ không phải là chủ sử dụng giao khoán nhận số tiền này.
Yêu cầu Trưởng ban QLRPH Yên Thành giải trình
Ngày 27/3 tại Sở NN&PTNT, ông Hoàng Nghĩa Hiếu (Giám đốc sở) chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo huyện Yên Thành và Ban QLRPH huyện này để bàn hướng xử lí vụ việc.
Tại đây, sau khi nghe chúng tôi phản ánh các chứng cứ làm giả hồ sơ để nhận tiền đền bù, ông Nguyễn Ngọc Ánh, Trưởng ban QLRPH Yên Thành là người để mất rừng nhưng không biết, thừa nhận “việc làm sai”. Ông Phan Tiến Sỹ (nguyên Trưởng ban QLRPH), người kí nhiều văn bản trong hồ sơ kiểm đếm tài sản trên đất rừng và nhận tiền, hiện “chưa rõ nguồn tiền 3 cán bộ đã nhận đang ở đâu”. Theo đó, ông Hiếu giao ông Ánh chịu trách nhiệm kiểm tra lại toàn bộ quy trình làm 3 bộ hồ sơ này; xác định nguồn tiền đã nhận nay ở đâu và tự đề xuất hướng xử lí trước khi các cơ quan chức năng xem xét hình thức kỉ luật.
Vũ Toàn
Nguồn Lao động Nghệ an