Nghèo đói, ốm đau, sinh tồn... là những lý do khiến những người hành khất thực thụ phải ăn xin trên đường phố. Tuy nhiên, gần đây một số du khách phương Tây cũng gia nhập nhóm người này để kiếm tiền trang trải chuyến đi. Trào lưu có tên gọi “beg-packer” (du lịch bụi ăn xin) này đã khiến cộng đồng quốc tế và người dân địa phương bất bình. Họ cho rằng những du khách này đang chiếm mất số tiền lẽ ra dành cho người thực sự cần để thỏa mãn cuộc sống phiêu lưu của mình.
Khách tây ăn xin, bán ảnh, hát rong
Đi dọc đường Khao San ở Bangkok, Thái Lan, bạn có thể gặp cảnh những du khách nước ngoài cầm biển đứng xin tiền. Họ chủ yếu là các thanh niên du lịch bụi đã lỡ tiêu xài hết tiền dành cho chuyến đi.
Một du khách cầm tấm biển: "Tôi đang chu du châu Á mà không có tiền, hãy ủng hộ tôi" ở Hong Kong. Ảnh: Daily Mail. |
Hình ảnh những du khách người nước ngoài xin tiền, biểu diễn trên đường phố hay bán ảnh chụp trong chuyến đi luôn thu hút sự hiếu kỳ của người qua đường. Họ chủ yếu xuất hiện ở các quốc gia Đông Nam Á, dọc tuyến đường Thái Lan - Campuchia - Lào - Việt Nam và sang Malaysia.
Nhiều người lấy làm tự hào khi có thể đi những chuyến dài ngày mà không tốn một xu. Không ít blogger du lịch khoe khoang rằng họ đã khám phá Nam Mỹ hay Trung Á chỉ nhờ vào lòng tốt của người khác.
Họ thậm chí còn cầm biển có dòng chữ: “Hãy ủng hộ chuyến đi của chúng tôi”, hay “Tôi đang chu du châu Á mà không có tiền, hãy ủng hộ tôi”. Một hình ảnh phổ biến hơn là các du khách trẻ tuổi đứng hát, chơi đàn, kéo violon... trên đường phố để nhận tiền từ người đi đường
Ở Việt Nam, một số du khách nước ngoài đã ngồi bán ảnh chụp chuyến đi của mình ở những khu vực đông người như bờ hồ Hoàn Kiếm, nhà thờ Đức Bà TP.HCM... Mới đây, một nữ du khách người Nga lưu trú ở đảo Phú Quốc đã ngồi thiền trên vỉa hè để xin tiền với tấm biển “Thiền để được may mắn. Cần tiền”. Họ đều nhận được sự giúp đỡ của không ít người.
Đáng cho hay đáng xấu hổ?
Hình ảnh các du khách trẻ tuổi phương Tây xin tiền để thực hiện chuyến đi đã khiến không ít người địa phương và chính những đồng hương của họ bất bình.
Theo tờ Telegraph của Anh, việc chu du thế giới - ngay cả khi ở trong nhà nghỉ giá rẻ và chỉ tiêu dưới 10 USD một ngày - không phải là quyền tự nhiên, mà là một điều xa xỉ hàng triệu người không bao giờ được trải nghiệm. Các du khách này cho rằng họ không bắt ai cho họ tiền, họ thật sự không còn tiền mua vé máy bay, hoặc họ đang biểu diễn chứ không ăn xin.
Cô gái Nga ngồi thiền xin tiền ở Phú Quốc, Việt Nam. Theo thông tin ban đầu, nữ du khách này đã ở Phú Quốc ba tháng và hết tiền, chứ không phải gặp sự cố gì. Ảnh: Tuấn Anh/Zing. |
Tuy nhiên, việc đi máy bay và không còn gì để ăn là hai chuyện khác nhau hoàn toàn. Những du khách áp dụng hình thức này không nhận ra rằng họ đang xin tiền để phục vụ cuộc sống trải nghiệm của mình, chứ không phải là để sống sót qua ngày. Họ nghĩ việc bán ảnh hay bưu thiếp để kiếm ít tiền là một câu chuyện hài hước và ấn tượng, trong khi có thể họ đang lấy mất bữa ăn của một người ở hoàn cảnh khốn khó hơn họ nhiều lần.
Blogger du lịch Zoe Johnson nhận định: “Nhiều người chọn cách tiêu xài hoang phí vào rượu bia, đồ ăn và các hoạt động hạng sang, rồi sau đó lại tự hỏi vì sao hết tiền. Những du khách trẻ tuổi đi gap year (nghỉ một năm trước khi vào đại học hay đi làm) có thể tiêu cả tháng lương của người địa phương chỉ trong một ngày. Họ không có quyền than vãn và xin xỏ. Điều đó thật đáng xấu hổ và lạc hậu. Nếu họ thực sự hết tiền, họ có thể bán iPad đi”.
Những khách du lịch bụi hết tiền có nhiều lựa chọn thay thế, từ làm việc ở các nhà nghỉ, dạy ngoại ngữ hay tham gia các chương trình làm việc đổi lấy nơi ở. Việc du khách tham gia các chuyến đi đến khu nghèo khổ để chụp ảnh những con người rách rưới đã đáng buồn rồi, việc họ xin tiền chỉ để trả phí cho một trò chơi mạo hiểm nào đó còn tệ hơn nhiều.
Tuy nhiên, một số người bênh vực những du khách bán ảnh hay biểu diễn trên đường phố để xin tiền.
Will Hatton, người sáng lập blog du lịch Broke Backpacker (Khách du lịch bụi nghèo), cho biết: “Việc ăn xin trong khi đi du lịch là không thể chấp nhận được, nhưng chẳng có gì sai (hay mới) khi họ biểu diễn hoặc bán đồ thủ công ở vệ đường. Đó không phải là lựa chọn nghề nghiệp thông thường, nhưng nhiều người muốn chu du thế giới bằng cách đó. Nếu bạn có tài năng hoặc bán thứ gì đó, tôi thấy chẳng sao cả. Tôi nghĩ nhiều người thấy lo lắng khi dân du lịch bụi sống kiểu qua ngày, vì đó là lối sống nhiều người không hiểu được. Với họ, thà đi du lịch với chưa tới 10 USD một ngày còn thú vị hơn là chôn chân ở bàn làm việc”.
Hai du khách người nước ngoài bán ảnh của mình ở Thái Lan. Ảnh: Independent. |
Ở London (Anh), người đàn hát ở các ga tàu điện ngầm không bị xem là hành khất, mà là một người biểu diễn - dù họ là dân địa phương hay du khách. Điều này giúp thành phố trở nên sống động hơn, và không ai khuyên bảo họ dành số tiền đó cho những người thật sự cần. Tuy nhiên, một số quận của London đang đề xuất cấp phép cho những người biểu diễn trên đường phố để quản lý tốt hơn và giảm thiểu bất tiện cho người dân.
Chính phủ Thái Lan đã áp dụng biện pháp yêu cầu xuất trình tiền mặt (tối thiểu 300 USD) khi nhập cảnh vào quốc gia này, nhằm ngăn chặn tình trạng du khách nước ngoài xin tiền hoặc lao động bất hợp pháp. Nhiều quốc gia đã cấm ăn xin và việc người nước ngoài bán hàng rong trên đường phố bị coi là lao động bất hợp pháp.
Nhiều người cho rằng nếu một du khách thực sự rơi vào tình cảnh khốn khó, như bị móc túi, trộm cướp hay tai nạn, họ sẵn lòng giúp đỡ. Tuy nhiên, thật đáng xấu hổ nếu những người này xin tiền chỉ để có thể đến điểm vui chơi tiếp theo, hay thử những trải nghiệm du lịch đắt đỏ.
Nguồn Zing