Tại Nghị định 105/2017 mà Chính phủ ban hành nêu rõ, việc bán rượu cho người dưới 18 tuổi, bán rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên qua mạng Internet, bán rượu bằng máy bán hàng tự động là vi phạm quy định của pháp luật về kinh doanh rượu.
Kinh doanh rượu thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Tổ chức, cá nhân sản xuất rượu công nghiệp, sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, phân phối rượu, bán buôn rượu, bán lẻ rượu, bán rượu tiêu dùng tại chỗ phải có giấy phép theo quy định tại nghị định này.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 105/2017/NĐ-CP, theo đó, cấm hộ gia đình không được sản xuất rượu thủ công.
Tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công, để bán cho những doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu công nghiệp để chế biến lại, phải đăng ký với UBND cấp xã.
Như vậy, theo Nghị định số 105, muốn sản xuất rượu thủ công phải là doanh nghiệp, hợp tác xã thành lập theo quy định pháp luật; đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm và ghi nhãn hàng hóa theo quy định.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay tại nhiều địa phương, các hộ dân vẫn tự nấu rượu bằng phương pháp thủ công và bán cho cộng đồng dân cư nơi họ sinh sống.
Vì lợi nhuận, nhiều hộ cá thể sản xuất rượu thủ công còn sử dụng những nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ để pha chế rượu, những vụ việc này đã bị báo chí phản ánh, cơ quan chức năng xử lý trong nhiều năm qua.
Cụ thể, trong tháng 7/2017, bệnh viện E tiếp và điều trị 3 trường hợp ngộ độc rượu (methanol) nặng, trong đó có 2 trường hợp tử vong, 1 trường hợp mù vĩnh viễn.
Tháng 3, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, tiếp nhận 7 người ngộ độc rượu trong tình trạng nguy kịch.
Tháng 2, huyện Phong Thổ (Lai Châu) có 8 người chết, 105 người bị ảnh hưởng, 126 người đến kiểm tra và theo dõi ngộ độc rượu…
Đó chỉ là một vài vụ việc điển hình mà báo chí đã phản ánh. Còn con số thực tế thì còn lớn hơn rất nhiều lần.
Theo Nghị định 105, Bộ Công Thương là cơ quan cấp Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp có quy mô từ 3 triệu lít/năm trở lên và giấy phép phân phối rượu.
Sở Công Thương là cơ quan cấp giấy phép sản xuất rượu công nghiệp có quy mô dưới 3 triệu lít/năm và giấy phép bán buôn rượu trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế & Hạ tầng thuộc UBND Quận, Huyện, Thị xã, Thành phố thuộc tỉnh là cơ quan cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, giấy phép bán lẻ rượu và giấy phép bán rượu tiêu dùng tại chỗ trên địa bàn.
Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh rượu gồm:
- Đơn đề nghị cấp Giấy phép sản xuất rượu theo mẫu quy định.
- Bản sao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện kinh doanh, quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường…
- Bản liệt kê tên hàng hóa rượu kèm theo bản sao nhãn hàng hóa rượu mà doanh nghiệp sản xuất hoặc dự kiến sản xuất.
Ngoài ra, các hành vi trưng bày, mua bán, lưu thông, tiêu thụ các loại rượu không có tem, nhãn đúng quy định của pháp luật, rượu không bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng, an toàn thực phẩm, rượu không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, quảng cáo, khuyến mại rượu trái quy định của pháp luật đều vi phạm Nghị định 105 và sẽ bị xử lý.
Nghị định số 105/2017/NĐ-CP về kinh doanh rượu, sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/11/2017.
GIANG THANH
Nguồn VTC