Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, trong 6 tháng đầu năm 2017, Việt Nam đã nhập khẩu thịt lợn từ 14 nước với tổng số lượng hơn 4,6 nghìn tấn, kim ngạch hơn 7,8 triệu USD.
Trong đó nhập khẩu nhiều nhất từ Ba Lan, với gần 1.000 tấn (chiếm 21%), nhập khẩu từ Mỹ hơn 713 tấn (chiếm 15,4%), tiếp theo là Đức hơn 608 tấn (chiếm 13,1%); Tây Ban Nha hơn 555 tấn (chiếm 12%), Canada 502 tấn (chiếm 10,8%).
Nhập khẩu ít nhất từ Nhật Bản, với số lượng chỉ 273 kg (chiếm 0,1%). Các sản phẩm nhập khẩu là chân giò, xương sụn, thịt ức, thịt vai, sườn đông lạnh, ba chỉ, mỡ lợn…
Do khủng hoảng thừa, từ quý 4/2016 lợn hơi xuất khẩu giảm dần và giảm nhanh trong các tháng đầu năm 2017, đến thời điểm này hầu như mặt hàng này xuất khẩu không còn đáng kể.
Khi xảy ra khủng hoảng thừa thịt lợn, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo tăng cường kiểm tra chất lượng sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu, khẩn trương xây dựng hàng rào kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi, nhất là mặt hàng thịt lợn của các nước thuộc Châu Mỹ và Châu Úc.
Bộ Công Thương cũng có văn bản gửi các địa phương tăng cường công tác kiểm soát việc tạm nhập tái xuất thực phẩm đông lạnh nhằm tạo điều kiện tối đa cho việc xuất khẩu thịt lợn trong nước, trong đó chỉ cho phép tái xuất thịt lợn và phụ phẩm thịt lợn đông lạnh sau khi đã xuất khẩu các lô hàng lợn, thịt lợn trong nước đang chờ thông quan tại các cửa khẩu trên địa bàn.
Tuy nhiên ông Nguyễn Xuân Dương cho biết, thực tế đã không diễn ra những điều như chúng ta mong muốn.
Hàng thực phẩm đông lạnh trong đó có mặt hàng thịt lợn tạm nhập tái xuất sang các nước xung quanh vẫn không giảm và thịt lợn trong nước hầu như không xuất khẩu được.
Lí do hàng thực phẩm đông lạnh chủ yếu là nhóm hàng thứ phẩm giá rất rẻ (cổ, cánh, chân, đầu, phủ tạng gia súc, gia cầm và thịt trâu…) có nguồn gốc từ các nước phát triển hoặc các nước có tôn giáo kiêng sử dụng làm thực phẩm nên giá rẻ so với các sản phẩm chăn nuôi trong nước và các nước khác.
Mặt khác, phía bạn tăng cường kiểm soát chặt đường biên nên việc xuất khẩu lợn bằng hình thức tiểu ngạch đuổi lợn sống qua biên giới lâu nay thì hầu như không còn thực hiện được trong những tháng gần đây.
Nguồn Nhà nông