TS Đoàn Hoài Sơn, Hiệu trưởng trường Đại học Hà Tĩnh vừa phát đi thông báo 'gây bão' trong tập thể giảng viên khi cho biết, Nhà trường sẽ xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ đối với giảng viên không có cam kết đi đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ.
Ngày 20/6, Trường Đại học Hà Tĩnh phát đi thông báo số 49/TB-TĐHHT kết luận của Hiệu trưởng Nhà trường về xếp loại viên chức năm học 2023 – 2024, áp dụng cho giảng viên chưa thực hiện kế hoạch đào tạo bồi dưỡng.
Theo thông báo này, Trường Đại học Hà Tĩnh cho biết sẽ xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ đối với các giảng viên có cam kết đi đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ trước tháng 11/2024. Xếp loại hoàn thành nhiệm vụ đối với các giảng viên có cam kết đi đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ trước tháng 5/2025 và xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ đối với giảng viên không có cam kết đi đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ.
Cùng với thông báo nói trên, Trường Đại học Hà Tĩnh còn ban hành mẫu bản cam kết, yêu cầu các giảng viên ký vào.
Thông báo số 49 và mẫu bản cam kết đi đào tạo nghiên cứu sinh được soạn sẵn "gây bão" của Đại học Hà Tĩnh.
Ngay sau khi được ban hành, thông báo đã gây bất bình trong tập thể giảng viên của Trường khi cho rằng, việc cam kết đi học nghiên cứu sinh gắn với xếp loại viên chức là “luật riêng”, vi phạm các quy định hiện hành. Bởi, theo quy định tại Điều 5 Thông tư 40/2020/TT-BGDĐT và khoản 1 Điều 2 Thông tư 04/2022/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT có hiệu lực thi hành từ ngày 19/04/2022 thì tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng đối với giảng viên (Hạng III) chỉ cần có bằng thạc sĩ trở lên phù hợp với vị trí việc làm, ngành hoặc chuyên ngành giảng dạy hoặc có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên đại học.
Theo quy định nói trên thì đến thời điểm hiện nay, việc đạt trình độ tiến sĩ là chưa bắt buộc đối với giảng viên đại học. Các cơ sở đào tạo chỉ có thể khuyến khích, tạo điều kiện để các giáo viên có năng lực và có nhu cầu đăng ký học nghiên cứu sinh, chứ không có quyền dùng việc xếp loại lao động viên chức cuối năm học để yêu cầu bắt buộc giảng viên cam kết đạt trình độ tiến sĩ.
Do đó, việc Trường Đại học Hà Tĩnh đưa ra xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ đối với giảng viên chưa hoàn thành nhiệm vụ đi nghiên cứu sinh là vi phạm Nghị định 90/2020/NĐ-CP của Chính phủ và Luật Giáo dục đại học.
Trước đó, ngày 14/2/2023, Trường Đại học Hà Tĩnh ban hành kế hoạch số 07 đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ, giảng viên giai đoạn 2023 – 2026. Trong giai đoạn nói trên, Nhà trường đưa ra chỉ tiêu sẽ đào tạo 1 thạc sĩ, 75 tiến sĩ và 10 Trung cấp, cao cấp lý luận chính trị.
Trường Đại học Hà Tĩnh đang trong giai đoạn chuyển mình để trở thành trường đại học thành viên của ĐHQG Hà Nội.
Tại kế hoạch này, Trường Đại học Hà Tĩnh cũng đưa ra mức kỷ luật đối với giảng viên thuộc diện cử đi học, nếu không đi đào tạo theo đúng kế hoạch hoặc thi không đậu nghiên cứu sinh sẽ bị đánh giá, xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ trong năm học đó, và bắt buộc phải đi học trong năm tiếp theo (kể cả đã quá tuổi). Thậm chí, Nhà trường sẽ xem xét tinh giản biên chế, chuyển sang biên chế tự chủ, điều chuyển, chuyển ngạch và các hình thức kỷ luật khác.
Tuy nhiên, nhiều giảng viên có tên trong danh sách đào tạo bồi dưỡng cảm thấy bức xúc và không có động lực đi học bởi vì, Kế hoạch số 07 nói trên có nhiều bất cập và thiếu minh bạch như khi ban hành không hề thông qua ý kiến góp ý của cán bộ giảng viên. Kế hoạch được ban hành không có quy hoạch hợp lý về chuyên ngành đào tạo nghiên cứu tương ứng với các chuyên ngành giảng dạy, mã ngành cần giảng viên có trình độ tiến sĩ đứng tên mã ngành; có nguy cơ gây lãng phí nguồn lực đối với tỉnh.
Nhà trường còn nhiều lần viện vào lý do nằm trong danh sách đi học dựa trên kế hoạch này để tự ý điều chuyển giảng viên lên đảm nhận các công việc hành chính mà không cần hiệp đồng dân chủ.
Theo Hướng dẫn số 231/HD-SNV ngày 05/10/2020 của Sở Nội vụ Hà Tĩnh về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức và lao động hợp đồng hàng năm và Hướng dẫn số 211 của Đại học Hà Tĩnh hướng dẫn đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức và lao động hợp đồng năm học 2023 – 2024 thì quy trình đánh giá viên chức được thực hiện theo 3 cấp độc lập, đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ. Tuy nhiên Trường Đại học Hà Tĩnh lại vi phạm chính quy định tại hướng dẫn và vi phạm các nguyên tắc tập trung dân chủ và công khai minh bạch nói trên.
Được biết, thời gian qua tại Trường Đại học Hà Tĩnh, nhiều giảng viên được cử đi đào tạo nghiên cứu sinh bằng ngân sách Nhà nước, khi hoàn tất khóa đào tạo đã không tiếp tục công tác, giảng dạy tại trường mà chuyển ra ngoài, dẫn đến tình trạng chảy máu chất xám.
THIÊN THẢO
Nguồn CAND
|